Nguy hiểm từ thói quen sinh đẻ tại nhà

30-11-2022 08:07 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Bà mẹ đẻ tại nhà rất nhiều nguy cơ mắc các tai biến sản khoa, bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, sa sinh dục … do tư thế sinh con không đảm bảo, môi trường không đảm bảo, bàn tay người đỡ đẻ không sạch.


Cô đỡ thôn bản 30 năm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thaiCô đỡ thôn bản 30 năm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai

SKĐS - Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, đội ngũ cô đỡ thôn bản có rất nhiều đóng góp quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Muôn vàn khó khăn để tiếp cận dịch vụ

Bs Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Giang cho biết, đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Hà Giang từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở mặc dù làm việc trong điều kiện khó khăn, vất vả, lương thấp, thu nhập tăng thêm hầu như không có nhưng mọi người đều rất tâm huyết và yêu nghề, nguyện đem hết kiến thức, tâm huyết dốc lòng cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai và trẻ em nói riêng.

Nguy hiểm từ thói quen sinh đẻ tại nhà - Ảnh 2.

Sinh đẻ tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé.

BS Thanh Hương chia sẻ, với đặc thù của tỉnh vùng cao biên giới, Hà Giang còn gặp muôn vàn khó khăn khiến việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc, vận chuyển, cấp cứu phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn vất vả. Mấy năm gần đây tình trạng giao thông tuy đã có khá hơn nhưng đấy chỉ là đối với những con đường chính. Còn đường từ nhà người dân đến các cơ sở y tế thì vẫn chỉ là những lối mòn nhỏ vì thường đồng bào dân tộc thiểu số hay sống trên những đồi núi cao, không tập trung, xa cơ sở y tế và thiếu phương tiện đi lại.

Khó khăn nữa là trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, nhất là phụ nữ. Họ thường ít được học kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cho trẻ nhỏ. Kèm theo là phong tục tập quán của một số dân tộc còn rất lạc hậu, đây cùng là khó khăn rất lớn ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc, vận chuyển, cấp cứu phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Mạng lưới cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai và trẻ em tại tuyến cơ sở của tỉnh Hà Giang hiện tại còn rất mỏng. Mỗi xã chỉ có 1 hộ sinh lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc, thời gian để được đi đào tạo cập nhật kiến thức về cấp cứu sản phụ khoa rất ít do vậy trình độ chuyên môn cũng không được cải thiện nhiều, đây cũng là khó khăn không nhỏ trong công tác chăm sóc và cấp cứu người bệnh.

Nguyên nhân của tâm lý sợ đến bệnh viện

Theo BS Nguyễn Thị Thanh Hương, do vẫn còn những hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu tại một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa, họ ngại đến bệnh viện sinh con vì lý do như nhiều người lạ nhìn thấy bộ phận sinh dục (quan niệm không muốn cho ai nhìn) và còn do không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh) nên lo sợ khi đẻ không có người thân bên cạnh.

Một phần là do vẫn còn tình trạng tảo hôn nên sợ đến bệnh viện đẻ sẽ gặp những khó khăn (họ muốn dấu giếm). Nhà ở cách xa cơ sở y tế, không có phương tiện giao thông.

Ở một số xã cán bộ y tế cơ sở chưa tạo được niềm tin cho người dân để họ đủ tin tưởng đến với mình khi có thai và sinh nở.

Nguy hiểm từ thói quen sinh đẻ tại nhà - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế để có cuộc sinh nở an toàn.

Trong khi đó bà mẹ đẻ tại nhà có rất nhiều nguy cơ mắc các tai biến sản khoa, bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, sa sinh dục … do tư thế sinh con không đảm bảo, môi trường không đảm bảo, bàn tay người đỡ đẻ không sạch… Về lâu dài thì làm cho xã hội bị kéo tụt hậu vì lớp trẻ nhìn thấy mẹ, chị, đẻ tại nhà và họ sẽ làm theo cứ như vậy thì khó thay đổi và ở đâu còn có đẻ tại nhà thì dân trí ở đó còn lạc hậu, các hủ tục khó mà xóa bỏ được.

Không những thế hệ lụy đối với đứa trẻ sinh ra tại nhà là rất lớn. Một là không được nằm da kề da với mẹ, trẻ sẽ không cảm nhận được tình thương của mẹ qua cái ôm đầu tiên của mẹ (da kề da). Đặc biệt trẻ sẽ không được bú giọt sữa non đầu tiên của mẹ (sữa này vô cùng quý giá). Người đỡ đẻ thiếu kiến thức khoa học nên sẽ cắt rốn sớm (không chờ dây rốn hết đập) và hành động đó sẽ làm cho em bé đó bị thiếu hụt dinh dưỡng từ người mẹ truyền sang qua rây rốn. Bé sẽ bị thiếu một lượng máu nhất định và từ đó có rất nhiều nguy cơ về sức khỏe sau này… Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng cao khó được cải thiện.

BS Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, ngành y tế Hà Giang đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc, vận chuyển, cấp cứu phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh ở những xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh bằng rất nhiều biện pháp như chỉ đạo hệ thống y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác CSSKBMTE bằng nhiều hình thức khác nhau. Tăng cường giáo dục pháp luật về hôn nhân, gia đình để hạn chế thấp nhất tình trạng tảo hôn. Nâng cao trình độ nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ, tăng cường tiếp cận với thông tin, giáo dục gia đình vệ sinh chăm sóc sức khỏe sinh sản để nâng cao sức khỏe cho từng thành viên trong gia đình.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ SKSS, đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ SKSS thiết yếu. Xây dựng và áp dụng các mô hình, phương thức cung cấp dịch vụ riêng biệt nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về dịch vụ SKSS cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thực hiện tốt và nhiều hơn nữa quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật các dịch vụ SKSS tại tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ;

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành cho nhân viên cung cấp dịch vụ SKSS; đào tạo kỹ năng tư vấn và giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.

Nguy hiểm từ thói quen sinh đẻ tại nhà - Ảnh 4.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và dịch vụ chăm sóc SKSS, các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS và bình đẳng giới; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về nâng cao sức khỏe bà mẹ, cải thiện SKSS vị thành niên; giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em; cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; đáp ứng đầy đủ nhu cầu KHHGĐ; kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản...

Cô đỡ thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế

Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số là mô hình phù hợp đối với các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Hà Giang. Cô đỡ thôn bản được coi là cánh tay nối dài giữa cán bộ y tế và cộng đồng, là người của thôn bản cử đi học, biết tiếng của dân tộc mình, hiểu được phong tục, tập quán của nơi mình đang sinh sống do vậy họ thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, vận động để phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất.

BS Thanh Hương cho biết, trong những năm qua đội ngũ này đã góp phần không nhỏ làm giảm tỷ lệ sinh con tại nhà, tăng tỷ lệ khám thai, tỷ lệ chăm sóc sau sinh và tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Các Cô đỡ thôn bản cũng đã kịp thời chuyển tuyến được nhiều trường hợp cấp cứu sản khoa mà nếu không chuyển tuyến kịp thời thì cả bà mẹ và trẻ sơ sinh sẽ bị tử vong. Với những lý do như vậy vai trò của đội ngũ Cô đỡ thôn bản là hết sức quan trọng trong công tác CSSKBM, trẻ sơ sinh và trẻ em đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Để nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ chăm sóc, vận chuyển, cấp cứu phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian tới, BS Hương mong muốn tiếp tục có các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ trợ đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản… Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ dân tộc thiểu sốChính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ dân tộc thiểu số

SKĐS - Để khuyến khích phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ, sinh đẻ tại cơ sở y tế, các chính sách ưu tiên hiện được thực hiện rộng rãi như hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, thực phẩm, tã bỉm… trong suốt thời kỳ trước, trong và sau đẻ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những Điều Có Thể Bạn Chưa Biết Về Nữ Bác Sĩ Đầu Tiên Của Việt Nam | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn