Trẻ nhét dị vật vào “chỗ kín”
Sáng 10/11/2015, BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM thông tin cho biết về 2 trường hợp của 2 bé gái vừa được điều trị tại bệnh viện. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi NTTT (7 tuổi, Phú Quốc, Kiên Giang). Mẹ bé cho biết, bé bị xuất huyết âm đạo và dịch nhầy có màu hồng đã nửa năm (từ tháng 2/2015). Gia đình đã đưa bé đi khám sản khoa nhiều nơi. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị xuất huyết âm đạo, viêm âm đạo nên cho kháng sinh uống. Sau một thời gian bệnh có bớt nhưng tiếp tục xuất huyết dịch tiết hôi bất thường, buộc bé phải mang băng vệ sinh thường xuyên.
Tại BV. Nhi Đồng 1, BS. Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận nội tiết BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM, sau khi tầm soát bằng các xét nghiệm nội tiết tố, chụp tuổi xương... đã loại bỏ ngay dấu hiệu dậy thì sớm và nghĩ nhiều đến tổn thương âm đạo, tuy nhiên việc siêu âm thường quy lại không tìm thấy nguyên nhân. “Tôi siêu âm qua ngả tầng sinh môn và thấy một vật cản âm bất thường. Tôi kết luận dị vật trong âm đạo là tăm bông hoặc một loại gạc nhưng chưa có cơ sở bởi các kiểm tra, xét nghiệm đều chống lại ý kiến của tôi” - BS. Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh siêu âm, BV Nhi đồng 1, kể lại.
Bé lại được gửi qua bệnh viện phụ sản để kiểm tra, siêu âm sản, nhưng tất cả đều bình thường. “Rồi kết quả chụp MRI cộng hưởng từ cũng chỉ tìm thấy một chút dịch trong âm đạo. Cuối cùng, phải nhờ đến nội soi mới tìm ra nguyên nhân được xác định do một khối xơ trông như một mảnh của miếng lưới nằm bám chặt vào bên trong âm đạo gây tổn thương”, BS. Huỳnh Thoại Loan cho biết thêm. Do mảnh dị vật tồn tại lâu ngày đã bám chặt vào mặt trong của đường sinh dục, phải mất hơn một giờ đồng hồ thủ thuật các bác sĩ mới hoàn tất việc bóc tách.
BS. Nguyễn Hữu Chí cho biết: các trường hợp dị vật âm đạo vẫn khá thường gặp ở bé gái. Nếu không phát hiện sớm, bé sẽ bị viêm nhiễm vùng âm hộ kéo dài, đôi khi tạo các ổ mủ nằm sâu rất khó chữa. Lâu ngày có thể làm thủng vách bàng quang, thủng thành âm đạo.
Đây không phải là lần đầu tiên các bác sĩ tại TP.HCM tiếp nhận các bệnh nhi bị tổn thương vùng kín do nghịch nhét các vật dụng vào “bên trong”. Ca thứ hai là bệnh nhi N (3 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) đến bệnh viện trong tình trạng dịch tiết âm đạo hôi. Qua một thời gian dài điều trị bé vẫn tái đi tái lại chưa rõ nguyên nhân. Theo BS. Chí, kết quả siêu âmthấy cái kẹp mắc kẹt trong âm đạo của bé, trên kẹp đang hình thành những viên sỏi. “Trẻ dưới 5 tuổi cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, dễ viêm nhiễm. Việc điều trị kháng sinh là cái bẫy đánh lừa thầy thuốc vì có lúc tưởng bệnh nhi đã khỏi bệnh.Tuần qua, tại bệnh viện cũng cóbé bị dị vật vào âm đạo gây chứng thủng âm đạo và niệu đạo. Biến chứng khiến bé phải trải qua một ca phẫu thuật phức tạp để vá chỗ rò.” - BS. Lê Thanh Hùng, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, BV. Nhi đồng 1, cảnh báo.
Dị vật nằm trong tai - mũi - họng của trẻ
Việc tiến hành nội soi gắp dị vật cho trẻ không phải là hiếm gặp ở BV. Nhi Đồng 1. Cách đây không lâu, trong ba đêm liên tiếp, các bác sĩ của BV. Nhi Đồng 1 đã từng gắp nội soi 3 hạt mãng cầu từ trong mũi của ba cháu bé từ 3 - 5 tuổi. Các bé đều tự nhét vào mũi. Đặc biệt, một ca phẫu thuật rạch phía sau tai để lấy ra một hạt thóc nằm sâu trong hốc nhĩ của bé Nguyễn Thị H.H (5 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM) cũng đã được tiến hành. Người nhà kể lại, bé chạy ra sân chơi, nhặt được hạt lúa và nhét vào tai của mình. Ban đầu, người nhà dùng nhíp để gắp hạt thóc ra khỏi tai bé, nhưng hạt thóc hình thoi, khá trơn, vì vậy càng gắp, hạt thóc càng chui sâu vào trong, gây rách màng nhĩ.
Thậm chí, bác sĩ đã từng cấp cứu một ca trẻ nhũ nhi 3 tháng tuổi bị nghẹt thực quản do dị vật. Chị gái của bé mới có 3 - 4 tuổi bắt chước mẹ, đút cho em ăn mà thức ăn là những mẩu đồ chơi hình tròn nhỏ. Các bác sĩ đã dùng phương pháp nội soi gắp ra 3 mẩu tròn như vậy, chẹn ngang đường thở. Theo thống kê tại phòng khám Tai Mũi Họng của BV. Nhi Đồng 1, hàng năm, có khoảng hơn 30.000 ca đến khám và điều trị ngoại trú. Trong đó, hơn 300 ca hóc là dị vật. Hầu như ngày nào cũng có những ca hóc dị vật, không dị vật đường ăn thì là những ca dị vật đường mũi hoặc dị vật trong tai.
“Trẻ nhỏ thường hay nhét bất cứ vật gì chúng có trong tay vào lỗ tai hay lỗ mũi: từ mảnh giấy, miếng móp, mẩu ni lon hay các đồ chơi bằng nhựa thậm chí hòn bi xe đạp và các hạt trái cây...”, BS. Lê Thanh Hùng cảnh báo. Trẻ bị dị vật trong tai thường hay ngoáy tay vào tai, kêu bị ù tai, đau tai nếu là côn trùng sống và chảy máu tai do bị côn trùng cắn. Dị vật cứng nhét vào tai có thể gây thủng nhĩ dẫn đến tình trạng điếc. Dị vật nhét vào mũi thường gây chảy nước mũi một bên, thối mũi một bên.
Phụ huynh cần quan tâm tới trẻ
Việc trẻ nhỏ đưa một vật vào mũi vào tai hay bất cứ chỗ nào trên cơ thể có thể khiến bản thân trẻ thấy ngộ nghĩnh và thích thú, nhưng đây là một vấn đề nghiêm trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu ý. Một dị vật trong tai hay mũi của bé có thể gây nhiễm trùng và tổn thương lâu dài. Phụ huynh nên rà soát xem tất cả đồ chơi trong nhà có phù hợp với lứa tuổi của bé hay không. Luôn luôn phải quan sát cẩn thận trong lúc bé chơi đùa. Cách tốt nhất là phụ huynh nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào tai hay mũi mình là việc xấu. Bé không được làm thế.
Lưu ý, khi đã biết có dị vật trong người trẻ, sự can thiệp y tế kịp thời là rất quan trọng. Không nên cố gắng lấy dị vật ở nhà vì có thể gây tổn thương tai - mũi, dẫn đến chảy máu nhiễm trùng nặng. Nhất là, khi phụ huynh vô tình làm dị vật chui vào sâu không lấy ra được, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cho trẻ. Nên đưa trẻ đến bệnh viện, các bác sĩ có đèn soi tai - mũi và với những dụng cụ thích hợp sẽ lấy dị vật dễ dàng. Phản ứng chậm trễ có thể khiến bé rơi vào tình trạng nguy kịch. Ví dụ khi một hạt đậu bị mắc kẹt lâu, nó có thể sẽ nở to hơn và khó lấy ra hơn. Một số dị vật khác còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho bé.
Riêng trong 2 trường hợp trên, BS. Lê Thanh Hùng khuyên, trẻ nhỏ thường hay nghịch, nhét dị vật vào chỗ kín, việc thực hiện hoàn toàn không có chủ ý. Chẳng qua là các bé tò mò muốn khám phá bản thân. Các bé không hề nghĩ rằng, việc làm này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt là các bé thường giấu cha mẹ vì sợ bị la mắng. Nếu dị vật ở tai mũi họng, phụ huynh nhìn thấy được còn có thể gắp ra được, dị vật ở vùng kín, do các bé ở độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện vùng kín, khả năng bảo vệ cơ thể chưa cao nên rất dễ bị viêm nhiễm. Chính vì thế khi thấy các bé có tình trạng chảy dịch có mùi thì ngoài việc nghĩ đến viêm nhiễm, phụ huynh nên quan tâm có thể có dị vật bên trong cơ thể bé.
NGUYỄN TÙNG