Nguy hiểm rình rập từ thực phẩm chức năng xách tay không nguồn gốc

26-09-2018 10:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thực phẩm chức năng (TPCN) hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe giúp con người nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật, là sản phẩm nằm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm thông thường. Những năm gần đây, việc giao thương giữa các nước và các nền kinh tế được đẩy mạnh nhờ ngành hàng không luôn phát triển nên có một khái niệm được nhiều doanh nghiệp quảng cáo là hàng xách tay. Có thể nói, đủ loại hàng xách tay được thương nhân đem về trong nước kinh doanh từ đồng hồ, rượu, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Thực hư của thực phẩm chức năng xách tay như thế nào? Hậu quả của nó ra sao?

Không rõ nguồn gốc vẫn bán được vì… quá rẻ

Viên uống làm giảm cân, thực phẩm làm trắng da, thực phẩm chức năng chống oxy hóa, làm nhanh lành vết thương, tăng sức đề kháng... xách tay được ưa chuộng hơn hàng trong nước cho dù không rõ nguồn gốc.

Anh Nguyễn Phi Thường, một thương nhân chuyên đi lại giữa Việt Nam – Canada; Việt Nam – Mỹ bất ngờ đến thảng thốt: Thực phẩm chức năng nhập khẩu không chính ngạch được người bán giới thiệu là xách tay ở Việt Nam giá còn rẻ hơn tại thị trường ở chính nước sở tại!

Chúng tôi tìm đến vài cửa hàng siêu thị nhỏ lẻ có bầy bán chính thức KEO ONG ĐỎ có giá bán chỉ giao động từ 320 - 480 nghìn đồng.

Tìm hiểu qua một số website chuyên bán hàng online như Li..; Sh…giá bán KEO ONG ĐỎ dao động trong khoảng từ 400.000 đồng/lọ/30ml…Trong khi đó, nếu mua tại Canada, một lọ KEO ONG đã có giá giao động 25$ - 50$ Canada tương đương 420.000đ – 850.000đ nếu cộng đủ chi phí như vận chuyển, thuế, chi phí kiểm nghiệm chất lượng…giá bán không thể dưới 600.000 đồng/lọ. Chưa kể một số loại TPCN xách tay đang lưu hành trên thị trường nhà sản xuất nước ngoài hoặc đơn vị nhập khẩu độc quyền không hề biết và không công nhận sản phẩm đó là của hãng (khác mẫu mã dù cùng tên thương hiệu….)

Nguy hiểm rình rập từ thực phẩm chức năng xách tay không nguồn gốcHình ảnh sản phẩm keo ong trên một website không rõ nguồn gốc sản phẩm

Tương tự, một lọ glucosamine 375 viên, theo cách tính giá cả và các loại thuế, phí, giá về VN không thể dưới 600.000 đồng, nhưng hàng bán đa số thấp hơn 500.000 đồng/lọ.

Hàng xách tay, theo luật pháp là chỉ được dùng cá nhân, không được bán.Các tài khoản trên mạng rao bán thực phẩm xách tay từ nước ngoài về mà không công bố thông tin với cơ quan quản lý là vi phạm pháp luật.

Vấn đề đặt ra ở đây, với thực phẩm chức năng xách tay không có sự kiểm soát, bán hàng qua các kênh online, bán hang ở siêu thị, nhà thuốc ham rẻ đã làm tổn hại nghiêm trọng đến các nhà nhập khẩu uy tín chính thức. Phía đối tác nước ngoài sẽ đánh giá mức độ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc ở nước ta là mức độ cảnh báo nguy hiểm, ảnh hưởng đến giao dịch thương mại bình đẳng giữa hai quốc gia.

Về phía người tiêu dung, hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả, mua phải hang kém chất lượng, tiền mất tật mang.

Dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả: Coi chừng ảnh hưởng tính mạng!

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 1/2018 đã cho biết, hàng xách tay, theo luật chỉ được dùng cá nhân, không được bán.

Hiện nay, pháp luật quy định, các loại thực phẩm nhập khẩu vào nước ta cần phải công bố thông tin với cơ quan quản lý, và phải có thương nhân đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và sự giám sát của cơ quan chuyên môn.

Thực tế, có rất nhiều các tài khoản trên mạng rao bán thực phẩm xách tay từ nước ngoài về mà không công bố thông tin với cơ quan quản lý là vi phạm pháp luật.

Khi nhập cảnh, đi qua hải quan, hàng xách tay, với đặc thù là số lượng ít, nên được khai báo trong danh mục hàng cá nhân, không bị đánh thuế, không phải chịu kiểm tra chất lượng như hàng nhập khẩu sử dụng cho mục đích khác. Do đó, mặt hàng này đã trở thành cơ hội để nhiều người tận dụng để bán kiếm lời.

Nếu người dân sử dụng các sản phẩm chức năng được quảng cáo là hàng xách tay, nếu xẩy ra vấn đề về chất lượng sản phẩm, thì cơ quan chức năng như Cục An toàn thực phẩm khó có thể giải quyết vì không thể truy xuất đươc nguồn gốc sản phẩm do chưa đăng ký.

Có nhiều tài khoản cá nhân rao bán thực phẩm chức năng với nhãn mác “hàng xách tay từ nước ngoài, đảm bảo uy tín chất lượng”, nhưng chất lượng thực sự của sản phẩm và công dụng của nó thì chưa thấy cơ quan nào đứng ra kiểm chứng.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thực phẩm chức năng, trong đó có khoảng 60% thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu và phần lớn về Việt Nam qua đường xách tay. Tuy nhiên, mỗi năm có hàng trăm ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng, bị phát hiện và xử lý liên quan đến vấn đề làm giả, kém chất lượng đang có xu hướng gia tăng, chủ yếu các sản phẩm này được nhập qua đường tiểu ngạch rồi được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ.

Chuyên gia dược Nguyễn Đức Thái, cố vấn Trung tâm y sinh học phân tử, Đại học Y Dược TP.HCM phân tích: Ví dụ, cơ thể được bác sĩ qua đo khám chẩn đoán là thiếu can xi trầm trọng, phải bổ sung can xi, hoặc bổ sung glucosamine. Trong trường hợp này, nếu người bệnh không sử dụng đúng vitamin cần bổ sung, thì ảnh hưởng nặng hơn đối với tình trạng sức khỏe của họ. Đó là chưa kể với một số vitamin khi làm giả, để tăng độ tin cậy của người tiêu dùng, cơ sở sản xuất thay vì tăng cường chất nhờn cho khớp lại bỏ chất giảm đau để nếu người bị khớp, cần bổ sung glucosamine, uống vào thấy giảm đau ngỡ rằng vitamin mình sử dụng đã có hiệu quả. Thứ ba là các tác dụng phụ nếu có như chất gây nghiện, chất làm mục xương, giữ nước… với các sản phẩm hỗ trợ cho bệnh khớp và chăm sóc sắc đẹp.

Tuy đã có những quy định quản lý khá chặt chẽ, nhưng thực tiễn vẫn có nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người. Vi phạm nhiều nhất là các doanh nghiệp, người kinh doanh bán hàng, quảng cáo khi chưa được cấp phép; mặt khác xuất hiện tình trạng quảng cáo, bán hàng trực tuyến nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước.

Những sai phạm của các doanh nghiệp đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. Kết quả thanh tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 159 nghìn cơ sở được thanh kiểm tra, hậu kiểm. Trong đó đã nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền là trên 31 nghìn cơ sở với số tiền gần 20 tỷ đồng; Đình chỉ 72 cơ sở; Đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm.

Về phía Bộ Y tế được yêu cầu tăng cường thanh tra với các hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng với mặt hàng dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Thực hiện chỉ thị này, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó đẩy mạnh công tác hậu kiểm về ATTP đáp ứng phương thức quản lý của Nghị định số 15/2018/NÐ-CP ngày 2-2-2018.

Cục ATTP cũng phối hợp với Cục Quản lý phát thanh - truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) công khai thông tin các sản phẩm vi phạm cũng như xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm trên các trang thông tin đó. Ðối với các sản phẩm vi phạm bị đưa vào "danh sách đen" sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn và khi phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nặng hơn. Ðối với những sản phẩm đã bị rút giấy phép đăng ký nhưng doanh nghiệp vẫn lén lút sản xuất, khi phát hiện đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp thu hồi toàn bộ sản phẩm và xử phạt với khung cao nhất.


Hoàng Huy
Ý kiến của bạn