Nguy hiểm rình rập trong đồ chơi Trung Quốc

23-09-2014 00:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận điều trị cho một bé trai ở Ninh Thuận bị tổn thương nặng ở mắt phải và các ngón tay vì đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc phát nổ khi bé đang chơi.

Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận điều trị cho một bé trai ở Ninh Thuận bị tổn thương nặng ở mắt phải và các ngón tay vì đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc phát nổ khi bé đang chơi. Thông tin này một lần nữa khiến chúng ta không khỏi giật mình lo ngại vì nguy cơ tiềm ẩn của đồ chơi Trung Quốc đang được bán tràn ngập trên thị trường...

Mất ngón tay vì ôtô đồ chơi phát nổ

Ngày 22/9, BS. Phạm Nguyên Huân, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Mắt TP.HCM cho biết, cháu Nguyễn Chí Tú ở Ninh Thuận được người nhà đưa đến bệnh viện cách đây chục ngày trong tình trạng nội mạc mắt phải có dị vật, thủy tinh thể bị thủng và rách giác mạc. Tổn thương khiến thị lực của mắt phải yếu, chỉ nhận ánh sáng chứ không phân biệt hình ảnh. Khi nhập viện, không chỉ bị tổn thương ở mắt, hai bàn tay của Tú cũng bị thương nghiêm trọng nên các bác sĩ đã khâu vết thương ở mắt rồi chuyển bé đến BV Nhi Đồng 1. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận ngón trỏ và ngón giữa trên bàn tay trái của bé bị đứt rời. Ở bàn tay phải, ngón tay giữa cũng bị thương nghiêm trọng phải tháo bỏ. BS. Huân cho biết, trở lại BV Mắt sau khi đã băng bó các ngón tay ở BV Nhi Đồng 1, sức khỏe của Tú ổn định, song bệnh nhi vẫn cần phẫu thuật điều trị vỡ thủy tinh thể trong vài ngày tới. Về khả năng hồi phục của mắt, các bác sĩ cho rằng chưa thể tiên đoán.

Theo gia đình bệnh nhân Tú, tai nạn xảy ra với Tú khi người lớn không ở nhà nhưng tại vị trí cháu Tú bị nạn có chiếc ôtô đồ chơi xuất xứ Trung Quốc và bộ phận điều khiển vẫn còn nguyên trong khi cục pin của chiếc điều khiển được tìm thấy gần đó đã nổ vỡ một góc. Gia đình cho biết mua đồ chơi này tại một cửa hàng ở Ninh Thuận khoảng 2 tháng trước.

Tuy nhiên, vụ việc của cháu Tú không phải là tai nạn hy hữu do đồ chơi gây ra, mà cách đây một thời gian, tại Trường tiểu học Chu Văn An, thị trấn Đức An, Đăk Song (Đăk Nông), trước giờ vào học, các em học sinh đã mua một loại đồ chơi có đặc điểm gần giống quả lựu đạn ở gần cổng trường, sau đó quăng ném nên phát nổ. Vụ việc đã làm ít nhất 32 em học sinh bị choáng váng, ngất xỉu phải nhập BVĐK huyện Đăk Song cấp cứu với các triệu chứng khó thở, co cứng các cơ, các chi, toàn thân nổi ngứa.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ

Về vụ việc của cháu Tú, ngay sau khi xảy ra vụ nổ, Công an huyện Ninh Phước đến khám nghiệm hiện trường, niêm phong đồ chơi, trong đó có cục pin bị nổ của Tú để giám định, điều tra. Theo bà Nguyễn Thị Thái Bình - Trưởng Công an huyện Ninh Phước, vật bị nổ là cục pin chứ không phải chiếc điều khiển ôtô. Nhiều khả năng Tú tháo cục pin từ chiếc điều khiển ôtô ra tự mày mò rồi xảy ra nổ. Lúc đó chỉ có một mình Tú nên không ai biết chi tiết vụ nổ thế nào. Hiện chưa thể hỏi cháu về vụ việc nên chưa có kết luận chính thức.

Bố con cháu Tú tại bệnh viện.

Bố con cháu Tú tại bệnh viện.

Liên quan đến mặt hàng đồ chơi, trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện và bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển, buôn bán đồ chơi nguy hiểm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mới đây nhất, ngày 23/9, Công an huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Bắc Ninh đã thu giữ một khối lượng lớn đồ chơi nguy hiểm do Trung Quốc sản xuất. Khi lực lượng chức năng dừng xe ôtô mang biển kiểm soát 14C - 077.07 đang lưu thông theo hướng Bắc Ninh - Hà Nội và tiến hành kiểm tra thì phát hiện trên xe chở 14 bao tải chứa các loại đồ chơi trẻ em nguy hiểm: 4.125 súng ngắn, 336 súng dài bắn đạn nhựa, bắn tia laze và nhiều bịch đạn nhựa. Đây là những sản phẩm nằm trong danh mục đồ chơi nguy hiểm cấm buôn bán, sử dụng và phần lớn đều do Trung Quốc sản xuất. Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cùng lực lượng Công an kinh tế của tỉnh đã phát hiện và bắt giữ số lượng lớn đồ chơi bạo lực nhập lậu. Lực lượng chức năng đã thống kê có 982 đồ chơi trái phép gồm: súng bắn đạn nhựa, súng bắn nước các loại, 500 kiếm nhựa. Riêng các loại súng bắn đạn nhựa có khả năng gây sát thương, rất nguy hiểm, nhất là với các em nhỏ.

Theo GS.TS. Trần Hồng Côn - Khoa hóa - ĐH Khoa học tự nhiên, người tiêu dùng rất khó có thể lựa chọn được kỹ càng đâu là đồ chơi tốt, đâu là đồ chơi không tốt trên thị trường bởi hiện nay trên thị trường đồ chơi của chúng ta đa phần là hàng nhập từ bên ngoài. Cách tốt nhất là các bậc cha mẹ nên chọn đồ chơi được sản xuất từ các doanh nghiệp có quy tín, nguồn gốc rõ ràng. “Người lớn khi mua đồ chơi cho trẻ cũng cần xem kỹ nhãn mác, dấu hợp chuẩn, hợp quy gắn bên ngoài sản phẩm. Không vì ham rẻ, kiểu dáng bắt mắt hoặc thỏa mãn sở thích bột phát của trẻ mà mua những đồ chơi nguy hiểm đến sức khỏe các em” - ông Côn khuyến cáo.

Thanh Hà

 


Ý kiến của bạn