Nguy hiểm mỹ phẩm “hàng hiệu” tự chế

01-04-2015 00:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 28/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh (KD) mỹ phẩm...

Ngày 28/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh (KD) mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm thuộc Công ty TNHH Xuân Thuỷ. Đoàn đã phát hiện một lượng lớn hàng hoá do nước ngoài sản xuất chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hoá. Nhiều loại hàng hoá nhập nguyên lô từ nước ngoài và công ty đã tự sang chiết. Được biết, đây là một trong những cơ sở KD khá nổi tiếng về các sản phẩm mỹ phẩm mà còn như vậy thì hàng ngàn điểm KD mỹ phẩm nhỏ khác sẽ sai phạm thế nào nữa…

Những lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị tạm giữ.

Càng kiểm tra càng ra sai phạm

5 cơ sở KD mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm thuộc Công ty TNHH Xuân Thuỷ. 5 cơ sở Xuân Thủy trên địa bàn Hà Nội được kiểm tra nằm tại các địa chỉ: số 18 Bạch Mai, Hai Bà Trưng; 29 Bạch Mai, Hai Bà Trưng; 86 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy; 368 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân và 38 Khâm Thiên, Đống Đa.

Sau khi phát hiện những sai phạm tại đây, ông Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 14 cho biết, những sản phẩm mỹ phẩm giả mạo xuất xứ hoặc tự ý sang chiết chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người. Việc kiểm tra trên đã đảm bảo cho người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng nhái không những thiệt hại về tài chính mà quan trọng hơn là bị ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ.

Tới đây, đội QLTT số 14 sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý những cơ sở sản xuất, KD hàng giả, hàng nhái trên địa bàn thành phố, đặc biệt là hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm. Trong một số trường hợp cần thiết sẽ phân tích mẫu hàm lượng độc tố trong hàng giả để xử lý nghiêm, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự.

Bán hàng mập mờ cũng phải có “uy tín”

Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên tiếp cận với một nhân viên nữ tên Q. đang làm việc tại một cơ sở spa khá lớn tại quận Đống Đa giữa trung tâm Thủ đô, phóng viên được biết, doanh số bán các mặt hàng mỹ phẩm, chăm sóc da… tại cơ sở này hàng tháng lên tới một vài trăm triệu đồng.

Cửa hàng có bán khá nhiều mặt hàng vừa sử dụng cho khách tại chỗ, vừa bán qua mạng hoặc chuyển tới tận nhà. Điểm đáng chú ý là trong số hàng chục loại mỹ phẩm như kem dưỡng da ban đêm, ban ngày, sữa tắm trắng, mặt nạ nóng, mặt nạ lạnh... thì chủ hàng chỉ mua giấy phép của nhà sản xuất có một vài loại lấy lệ. Sau đó, họ nhập hàng lít từ nhiều nguồn nào khác không nhãn mác rồi tự in bao bì đóng gói, sang chiết ra những túi nhỏ, dập thương hiệu của cửa hàng vào là xong. Lợi nhuận của những mặt hàng sau khi sang chiết đóng gói gấp cả chục lần tiền gốc mua về.

Khi được hỏi nếu đơn giản vậy thì ai cũng có thể làm được… mỹ phẩm, tại sao nhiều mặt hàng bán online hoặc cửa hàng vẫn ế. Nhân viên này cho biết, để có thể bán sản phẩm với giá vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng dễ như trở bàn tay thế này thì trước hết đòi hỏi phải có “uy tín”. Theo cô: “Khách hàng bây giờ rất khó tính. Nghĩa là chỉ sau khi khách đến cửa hàng, chăm sóc da và thấy hiệu quả thì sau đó họ mới đồng ý mua về tự dùng. Những khách hàng khác cũng do bạn bè truyền miệng mới biết và đồng ý mua. Anh không thể đơn giản là rao sản phẩm trên mạng mà dễ có khách đâu”.

Một chiêu nữa mà các chủ hàng hay dùng là khi cho dùng thử hoặc chăm sóc trực tiếp cho khách thì dùng hàng chuẩn. Khi khách mua về thì cho hàng pha chế. Thì ra muốn bán hàng rởm giá cao cũng phải có “uy tín” là như vậy chứ không đơn giản.

Cần xử nghiêm hàng chiết xuất

Hiện nay, nhiều thẩm mỹ viện cũng sử dụng các hình thức bán sản phẩm tương tự, họ quảng cáo các sản phẩm làm trắng da mặt, còn làm trắng toàn thân, kem dưỡng da… dưới cái vỏ có xuất xứ Thụy Sĩ, Pháp, Nhật… nhưng thực chất thì từ đâu không ai rõ. Đặc biệt, tâm lý khách hàng thường tin tưởng lẫn nhau, tin bạn bè qua kênh truyền miệng nên hầu như những sản phẩm này không xuất hiện một cách tràn lan như thể loại hàng lậu mà ở một chiêu thức cao cấp hơn.

Một chuyên gia da liễu Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nhiều nơi đã quảng cáo quá mức về công dụng của các sản phẩm điều trị sẹo lõm, rạn da, nám, thâm, làm trắng da… Bởi kết cấu da còn liên quan tới gen nên việc điều trị chỉ có tác dụng phần nào nếu là sản phẩm chính hãng. Còn với các sản phẩm kiểu chiết xuất và pha chế như trên đôi khi còn gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Với những tìm hiểu trên đây, chị em khi sử dụng các sản phẩm trong thẩm mỹ cần phải sáng suốt, tỉnh táo, không nên bị dẫn dụ bởi những hình ảnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm khi được người tiêu dùng thông tin để bảo vệ sức khoẻ người dân cũng như sự cạnh tranh công bằng trong KD.      

   Huy Lê

 

 


Ý kiến của bạn