Nguy hiểm khi phối hợp thuốc không kê đơn với nhau

19-08-2015 14:10 | Dược
google news

Dân trí Những thuốc không cần đơn bác sĩ và được dùng rất phổ biến dưới đây khi kết hợp với nhau có thể gây nguy hiểm. Do đó bạn hãy tìm những cách khác để giảm triệu chứng.

1. Phối hợp Tylenol với các thuốc điều trị triệu chứng cảm lạnh

Nhiều phối hợp thuốc trị ho, cảm lạnh và cúm có chứa acetaminophen để giảm đau họng, đau đầu và sốt. Nếu uống thêm Tylenol - cũng là acetaminophen - bạn có thể bị vượt giới hạn trần 4g/ngày đối với thuốc này.

Nguy cơ: tổn thương gan có thể phải ghép gan hoặc thậm chí chết người. (Hiểm họa của việc dùng quá liều là lớn nhất nếu bạn uống 7g hoặc hơn/ngày, nhưng ngay cả chỉ một ngày uống quá 4g cũng đã nguy hiểm).

Thay thế: Chú ý vào tên thuốc. Acetaminophen có thể được phân loại là thuốc giảm đau trên bao bì của thuốc này và thuốc giảm sốt trên bao bì của thuốc khác, nhưng vẫn là cùng một hoạt chất.

Tương tự, cần để ý đến các chữ viết tắt của acetaminophen như APAP, AC, hoặc Acetam, cùng với từ paracetamol - cũng là tên của acetaminophen được phần lớn các nước sử dụng.

2. Phối hợp ibuprofen, naproxen, và aspirin

Các thuốc có tên thương mại như Advil, Aleve, và Bayer thuộc nhóm các thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Do những thuốc này hoạt động thông qua cùng một cơ chế, nên việc uống nhiều loại một lúc sẽ làm tăng nguy cơ tác dụng phụ, từ nhẹ như buồn nôn tới chảy máu tiêu hóa nặng.

Thay thế: Mỗi lần chỉ uống 1 loại thuốc - đọc kỹ hướng dẫn trên lọ thuốc để xác định loại thuốc có tác dụng tốt nhất đối với một vấn đề cụ thể. Ví dụ, bạn có thể thấy cơn đau đầu giảm nhanh hơn với ibuprofen, trong khi naproxen lại làm dịu đau nhức cơ. Nhưng nếu bạn vẫn thấy tình trạng không được cải thiện thì cần hỏi ý kiến bác sĩ.

3. Thuốc chống dị ứng (kháng histamine) và thuốc chống say tàu xe

Cần thận trọng khi kết hợp các thuốc chống dị ứng kháng histamine như Benadryl với các thuốc chống buồn nôn như Dramamine. Các hoạt chất giống nhau của những thuốc này - diphenhydramine để điều trị ngạt mũi, đỏ mắt và hắt hơi, và dimenhydrinate để giảm say tàu xe - có thể cộng hưởng với nhau để làm tăng buồn ngủ.

Thay thế: Nếu đang dùng các thuốc chống dị ứng, bạn hãy tìm những thuốc chống say không gây buồn ngủ có chứa hoạt chất meclizine.

4. Thuốc chống tiêu chảy và bổ sung can xi

Các sản phẩm chứa loperamide, như Imodium, giúp bạn khỏi bị tào tháo đuổi. Nhưng nếu uống chúng cùng với chế phẩm bổ sung can xi thì có nguy cơ bạn sẽ gặp phải vấn đề ngược lại. Can xi khiến phân rắn lại, vì thế nếu kết hợp với thuốc chống tiêu chảy thì bạn có thể bị táo bón.

Thay thế: Tạm dừng việc uống can xi cho đến khi vấn đề đường ruột đã ổn định. Cho dù được bác sĩ khuyến nghị song bạn sẽ không bị hậu quả lâu dài nào đối với xương hay vấn đề nào khác nếu chỉ bỏ một vài ngày không uống can xi.

5. Cỏ thánh John (St. John’s wort) và thuốc ho

St. John’s wort là một loại thực phẩm chức năng được cho là làm giảm lo âu và trầm cảm. Dextromethorphan là thuốc làm dịu ho. Nhưng nếu đi cùng nhau chúng có thể gây ra một chứng bệnh nguy hiểm gọi là hội chứng serotonin. Quá nhiều chất dẫn truyền thần kinh serotonin tích tụ trong cơ thể sẽ gây ra mồ hôi, cảm giác lơ mơ và khó chịu, khó điều khiển cử động và thậm chí tử vong trong một số ít trường hợp.

Thay thế: Trước hết, hãy cân nhắc xem liệu bạn có cần cần dùng dextromethorphan hay không. Nếu bạn không bị ho khan thì đừng dùng các thuốc chữa ho và cảm lạnh. Hãy tìm loại thuốc chỉ điều trị triệu chứng thôi.

Khi nghi ngờ về sự phối hợp của một công thức thuốc trị cảm lạnh, ho và cúm nào đó với bất kỳ thuốc hoặc chế phẩm bổ sung nào khác mà bạn đang uống, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn cũng có thể làm dịu ho khan bằng cách dùng máy tạo ẩm phun sương mát, uống nhiều nước, hoặc thậm chí ngậm kẹo cứng để làm dịu phản xạ ho. Nuốt 1,5 đến 2 thìa cà phê mật ong trước khi đi ngủ có thể làm giảm ho ban đêm và cải thiện giấc ngủ.

Cẩm Tú

Theo MSN

 


Ý kiến của bạn