Vừa qua, Khoa Ngoại sản và Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện 19-8 tiếp nhận một bệnh nhân nữ cấp cứu khẩn cấp, ổ bụng nhiều máu. Qua khai thác bệnh nhân cho hay, sau khi biết có thai đã sử dụng thuốc phá thai. Tuy nhiên, đây là trường hợp chửa ngoài tử cung nên thuốc phá thai không có tác dụng.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Lựu – Phó Trưởng khoa Ngoại sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện 19-8, Bộ Công an), nhiều chị em phụ nữ đến khám trong tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài, thậm chí có những người đau vài ngày cho tới cả tuần mới đến thăm khám. Hoặc khi cơn đau bụng dồn dập hay thấy trong người có dấu hiệu choáng váng, lơ mơ mới đến bệnh viện. Lúc này bệnh tình đã có tiến triển nặng, thậm chí phải cấp cứu khẩn cấp.
Hiện nay, qua thăm khám hay gặp tình trạng bệnh nhân thường đi khám ở phòng khám ngoài và được tư vấn không đúng hoặc cảnh báo về bệnh lý. Thậm chí nhiều phòng khám khi biết bệnh nhân có thai thì sử dụng thuốc gây sảy thai.
Tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh nhân có thai ngoài tử cung không được phát hiện và vẫn dùng thuốc phá thai. Một vài ngày sau khi dùng thuốc phá thai, bệnh nhân vẫn có các dấu hiệu giống sảy thai như đau bụng và ra máu.
Về bản chất, thai ngoài tử cung không nằm trong buồng tử cung do vậy thuốc phá thai trong trường hợp này là không có tác dụng. Khi thai ngoài tử cung vỡ, bệnh nhân cần phải cấp cứu và xử lý kịp thời để đảm bảo được sức khỏe tốt nhất.
Do vậy, các sản phụ khi đi khám nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, chuyên khoa sản phụ khoa với trang thiết bị có thể siêu âm được. Thông thường chỉ cần siêu âm đường bụng, đường âm đạo để phát hiện chửa ngoài tử cung. Hoặc khi có thai, cần làm xét nghiệm beta-HCG từ đó đưa ra đánh giá và tiên lượng các nguy cơ. Ngưỡng beta-HCG có thể là căn cứ để nhận định đó là thai đang phát triển hay thai đã ngừng phát triển, nghi ngờ bệnh lý…
Chửa ngoài tử cung là gì?
Chửa ngoài tử cung (mang thai ngoài tử cung) là tình trạng trứng và tinh trùng sau khi thụ tinh nhưng không làm tổ trong buồng tử cung. Thai có thể làm tổ tại những nơi khác như cổ tử cung, vòi trứng, sẹo mổ thai trước đó…
Khi thai phát triển và lớn lên có thể gặp tình trạng sảy thai, thai dừng phát triển hoặc vỡ ống dẫn trứng gây xuất huyết ổ bụng, gây nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ.
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây thai ngoài tử cung, một số yếu tố làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung bao gồm:
- Tiền sử chửa ngoài tử cung hoặc sảy thai trước đó
- Có bất thường về ống dẫn trứng
- Sự thay đổi bất thường về nội tiết tố do sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng tới estrogen/progestin
- Dùng thuốc tránh thai hoặc các dụng cụ tránh thai như đặt vòng
Triệu chứng và dấu hiệu chửa ngoài tử cung
Dấu hiệu nhận biết khi chửa ngoài tử cung có thể rất đa dạng, tuy nhiên cũng có thể không biểu hiện gì cho đến khi thai vỡ ra. Một số triệu chứng có thể nghi ngờ là mang thai ngoài tử cung bao gồm:
- Chậm kinh nguyệt.
- Đau vùng chậu, có thể đau âm ỉ hoặc đau quặn thắt.
- Chảy máu âm đạo bất thường. Chảy máu có thể nhiều và nhanh nếu trong trường hợp thai bị vỡ.
- Nếu xét nghiệm beta-HCG tăng nhưng không tương xứng với số tuần tuổi của thai.
Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ chửa ngoài tử cung, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được khám, siêu âm và thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán. Trường hợp mang thai ngoài tử cung sẽ không giữ được thai. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra những chỉ định phù hợp cho từng bệnh nhân.
Xem thêm video được quan tâm:
Chửa ngoài tử cung đau bụng nhập viện mới biết có thai | SKĐS