Câu chuyện trẻ biếng ăn và nồng độ vitamin D trong máu
Một bà mẹ nhắn tin nhờ tôi tư vấn sản phẩm hỗ trợ biếng ăn cho con. Em bé được 8 tháng tuổi, gần đây hay quấy khóc, ăn ít, mỗi bữa ăn kéo dài tới 2 tiếng. Chị gửi tôi xem kết quả khám dinh dưỡng của con. Các chỉ số đều bình thường, ngoại trừ chỉ số đo nồng độ vitamin D trong máu cao (25OH vitamin D3 >175 nmol/L). Tôi thực sự bất ngờ về điều này và thay vì tư vấn sản phẩm hỗ trợ trẻ biếng ăn theo yêu cầu, tôi hỏi về việc bổ sung vitamin D. Người mẹ cho biết chị có bổ sung vitamin D3 nhỏ giọt và một số sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho con. Vô tình trong các sản phẩm đều có chứa vitamin D, dẫn đến lượng vitamin D bổ sung quá liều cho phép, và biếng ăn chỉ là một trong những hệ quả nhìn thấy được.
Cho trẻ uống vitamin D quá liều dễ gây ngộ độc.
Nhiễm độc vitamin D ở trẻ là gì?
Nhiễm độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp, nhưng có thể nghiêm trọng khi hàm lượng vitamin D trong cơ thể cao hơn mức cho phép. Nhiễm độc vitamin D do bổ sung vitamin D liều lượng lớn. Vitamin D tiếp nhận qua ăn uống hoặc tắm nắng thường không gây ngộ độc, vì cơ thể biết tự điều chỉnh lượng vitamin D tạo ra khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Vitamin D trong máu được đo bằng chỉ số 25-OH (vitamin D) với đơn vị tính là ng/ml hoặc nmol/L. Theo Phòng chế phẩm bổ sung (Office of Dietary Supplement) thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH):
• 25-OH vitamin D nhỏ hơn 30 nmol/L (12ng/ml): Thiếu vitamin D.
• 30nmol/L (12ng/ml) nhỏ hơn hoặc bằng 25-OH vitamin D nhỏ hơn 50nmol/L (20ng/ml): Nguy cơ thiếu vitamin D.
• 50nmol/L (20ng/ml) nhỏ hơn hoặc bằng 25-OH vitamin D nhỏ hơn hoặc bằng 125nmol/L (50 ng/ml): Mức bình thường.
• 25-OH vitamin D lớn hơn 125 nmol/L (50ng/ml): Mức cao.
Bổ sung vitamin D quá liều có thể gây độc ở trẻ nhỏ.
Biểu hiện của nhiễm độc vitamin D ở trẻ
Các biểu hiện của nhiễm độc vitamin D ở trẻ có thể không đặc hiệu và rõ ràng trong thời gian đầu. Hậu quả chính của nhiễm độc viatmin D là do tăng canxi huyết, tăng canxi niệu gây ra tăng huyết áp, sỏi thận, rối loạn nhịp tim. Triệu chứng ban đầu của nhiễm độc vitamin D bao gồm chán ăn, buồn nôn, suy nhược, ngủ lịm, mất nước, táo bón, đau nhức xương, cáu kỉnh và quấy khóc. Ảnh hưởng độc tính của vitamin D có thể tồn tại tới 2 tháng sau khi loại bỏ nguồn vitamin D ngoại sinh.
Làm gì khi trẻ nhiễm độc vitamin D?
Việc đầu tiên khi phát hiện nhiễm độc vitamin D là ngừng bổ sung vitamin D và hạn chế canxi trong chế độ ăn. Cha mẹ cần đưa trẻ tới thăm khám tại các trung tâm y tế, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm chỉ định để theo dõi và khắc phục tình trạng nhiễm độc vitamin D của trẻ.
Những lưu ý khi lựa chọn sản phẩm bổ sung vitamin D cho trẻ
Để đảm bảo trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn và bú mẹ một phần không nhận quá liều 400IU vitamin D mỗi ngày, các tổ chức y tế khuyến cáo phụ huynh:
Luôn giữ lại bao bì, hướng dẫn sử dụng của các sản phẩm bổ sung vitamin D để đảm bảo tham khảo khi sử dụng. Đảm bảo thực hiện đúng các thao tác, đúng liều lượng theo hướng dẫn.
Chỉ sử dụng ống nhỏ giọt hoặc dụng cụ phân liều đi kèm với sản phẩm. Không dùng dụng cụ phân liều của sản phẩm này cho sản phẩm khác.
Lựa chọn sản phẩm có ống nhỏ giọt hoặc phân liều có đơn vị rõ ràng, dễ hiểu. Đảm bảo các đơn vị đo liều tương ứng với đơn vị trong hướng dẫn sử dụng.
Nếu bạn không xác định được chính xác hàm lượng vitamin D được cung cấp trong mỗi liều sử dụng sản phẩm, hãy hỏi chuyên gia y tế trước khi sử dụng.
Nếu trẻ đang bú sữa công thức hoàn toàn hoặc một phần, hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi cho trẻ bổ sung vitamin D.
Nên nhớ, bất kể thuốc hay thực phẩm chức năng nào bên cạnh những công dụng đối với sức khỏe, thì vẫn luôn có những tác dụng phụ không mong muốn khi lạm dụng. Vitamin D cũng không ngoại lệ. Vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển chắc khỏe của xương, đồng thời có vai trò trong việc ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến các bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp. Tuy nhiên, quá liều vitamin D cũng gây ra những hậu quả nguy hiểm.