Thực ra đây không phải là vụ tai nạn giữa tàu hỏa với gia súc duy nhất, mà đã từ nhiều năm nay, hầu như năm nào chẳng xảy ra các vụ tai nạn tương tự khi tàu hỏa đâm phải, trâu, bò khi chúng xâm phạm vào hành lang của đường sắt. Mặc dù đã có những bảng biển cảnh báo, cấm vi phạm hành lang an toàn đường sắt nhưng ở tất cả các địa phương có tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua, không ít người dân, nhất là các em thiếu niên vẫn bất chấp khi chăn thả trâu, bò ở hai ven đường sắt.
Nếu như người chăn thả gia súc cho trâu, bò, dê, cừu... vào lộ giới cấm của đường sắt mà luôn đứng cạnh để canh chừng, trông coi còn đỡ, đằng này không ít người khi đi chăn thả đã không trông coi đàn gia súc gắt gao, mà lại lùa chúng vào hai bên hành lang của đường sắt rồi phó mặc cho chúng tự ý đi ăn rồi mình thì ngồi chơi ở một chỗ nào đó. Khi để gia súc tự ý đi ăn ở hai bên đường sắt như vậy là cực kỳ nguy hiểm, bởi thường là từ xa nhìn thấy đàn gia súc ở hai bên đường ray người lái tàu sẽ kéo còi, và chính những hồi còi đó đôi lúc lại... phản tác dụng khi trâu, bò sẽ hoảng loạn mà lao, chạy lung tung. Khi những con gia súc ấy hoảng loạn thì chuyện chúng chạy vào đường ray và tàu sẽ lao vào chúng là điều khó tránh khỏi, bởi không giống như các phương tiện giao thông khác, để đoàn tàu dừng lại được ngay tức thì sẽ là điều không thể, mà phải mất một khoảng thời gian cùng một đoạn đường nhất định thì tàu mới có thể dừng lại.
Việc chăn thả gia súc bên hành lang đường sắt như vậy không chỉ nguy hiểm cho tính mạng của các con gia súc, và khi gia súc bị chết sẽ dẫn tới thiệt hại về vật chất tài sản của người nông dân, mà còn mang tới quá nhiều tiềm ẩn, quá nhiều mối nguy hiểm cho sinh mệnh của biết bao nhiêu con người đang ngồi trên đoàn tàu, bởi nếu không may người lái tàu xử lý không sáng suốt mà phanh gấp thì hậu quả sẽ là khôn lường khi các toa xe trật bánh văng khỏi đường ray. Giả sử không có những thiệt hại về người nhưng tàu chỉ cần trật bánh khỏi đường ray sự chậm chễ hành trình của chuyến tàu, cùng quá trình khắc phục hậu quả cũng gây thiệt hại không nhỏ về vật chất cho ngành đường sắt.
Thiết nghĩ, để những người chăn thả gia súc không vi phạm hành lang an toàn đường sắt, đảm bảo cho các chuyến tàu lưu thông thì chính quyền các địa phương có tuyến đường sắt chạy qua phải thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, giáo dục việc này qua hệ thống loa đài truyền thanh, phát thanh để mọi người dân thấy được sự nguy hiểm mà không vi phạm. Vấn đề này cũng nên được lồng ghép đưa vào giáo dục tại các trường học thông qua các buổi sinh hoạt lớp, chương trình chào cờ đầu tuần..., để nhắc nhở các em học sinh tuyệt đối không được xâm phạm hành lang an toàn đường sắt, khi mà đại bộ phận các em học sinh sau nửa buổi cắp sách tới trường thường đảm đương công việc chăn thả gia súc của gia đình. Ngoài ra, kết quả sẽ là khả quan hơn nữa nếu như các bậc phụ huynh cũng không quên nhắc nhở con em mình một cách thường xuyên khi tuyệt đối không được gia súc vào hành lang đường sắt, trước khi các em lùa trâu bò, dê, cừu đi ăn.