Hà Nội

Nguy hiểm bệnh viêm tai giữa ứ dịch

29-06-2015 07:22 | Y học 360
google news

SKĐS - Đối với những người tập bơi, trẻ em thường hay bị sặc nước gây cay, hắt hơi, xì mũi. Nước cũng có thể lên tai gây viêm tai giữa ứ dịch.

Đối với những người tập bơi, trẻ em thường hay bị sặc nước gây cay, hắt hơi, xì mũi. Nước cũng có thể lên tai gây viêm tai giữa ứ dịch. Viêm tai giữa ứ dịch là sự ứ dịch của tai giữa phía sau một màng tai không thủng, không có các triệu chứng viêm cấp. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng có thể dần dần tiến triển thành viêm tai giữa nguy hiểm, từ đó gây ra các biến chứng cho bệnh nhân. Vì vậy, tất cả các trường hợp mắc viêm tai giữa ứ dịch cần phải được điều trị và theo dõi nhằm phục hồi lại sức nghe đồng thời ngăn ngừa các biến chứng và di chứng gây điếc nặng ở giai đoạn sau.

Biểu hiện của bệnh khi mắc không gây đau tai rõ rệt, chỉ có lúc đau nhói trong vài ngày đầu, gây khó chịu ở một hoặc cả hai tai. Do đó, bệnh thường dễ bị bỏ qua, nhất là với trẻ em hoặc khi chỉ bị một bên. Khi bệnh tiến triển, người bệnh thường có cảm giác tai lùng bùng hay óc ách; ù tai; nghe không rõ vì có cảm giác bít, tắc trong tai; nghe tiếng mình nói không thật như nghe qua micro (tiếng tự vang). Sau một vài ngày, các triệu chứng trên qua đi, có thể vẫn thấy ù tai và nghe kém. Nguyên nhân gây bệnh là do lỗ vòi tai bị tắc (trong bơi lội do bị sặc nước lâu hay do lặn sâu...), chức năng nghe sẽ bị ảnh hưởng.

Bác sĩ Phạm Thị Bích

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để đề phòng viêm tai khi đi bơi, người dân nên chọn nơi bơi có chất lượng nước sạch, không tắm ở nơi ao tù, nước đọng. Sau mỗi lần bơi thì nên nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau và lên cao rồi nhỏ các dung dịch sát khuẩn nhẹ như nước muối 0,9%. Sau đó lại nghiêng đầu và kéo vành tai để cho cả thuốc và nước chảy ra ngoài. Đặc biệt, không dùng tăm bông để ngoái sâu vào trong tai.

Những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang, tốt nhất là không đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh hoặc không đi bơi khi đang bị cảm cúm, viêm tai giữa, viêm mũi xoang. Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau, đặc biêt là vùng sụn trước của tai thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

Đối với trường hợp bơi lội và lặn sâu, hoặc nhảy cầu, sự thay đổi áp lực nước quá cao, đột ngột gây nên chấn thương âm cho tai giữa gây viêm tai giữa. Người bệnh cảm thấy đau tai, ù tai, nghe kém kéo dài kể cả khi đã lắc hết nước trong tai ra ngoài. Trong trường hợp này cần phải đến bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng điều trị bằng các thuốc kháng sinh - giảm phù nề và làm thông thoáng đường mũi họng cũng như làm thông thoáng vòi nhĩ thông từ tai giữa xuống họng.

Mời các bạn xem bài sau: Sai lầm khi điều trị viêm tai

vào ngày 29/6/2015

 


Ý kiến của bạn