Nguy hại từ việc gọi điện, nhắn tin quấy rối bệnh viện

17-10-2016 08:15 | Pháp luật

SKĐS - Mới đây, Cơ quan công an đang phối hợp làm rõ, xử lý đối với một tài xế xe buýt đã liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối các phòng ban của bệnh viện (BV) Thống Nhất TP.HCM

Mới đây, Cơ quan công an đang phối hợp làm rõ, xử lý đối với một tài xế xe buýt đã liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối các phòng ban của bệnh viện (BV) Thống Nhất TP.HCM và các y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng làm việc tại đây. Điều đáng nói, mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý tuy nhiên thực trạng quấy rối bằng cách gọi điện đến các cơ sở y tế, đường dây nóng của các lực lượng phản ứng nhanh vẫn liên tiếp diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Đủ cớ gọi điện quấy rối

Liên tục trong thời gian dài, các phòng ban và y bác sĩ, điều dưỡng của BV Thống Nhất TP.HCM nhận được những cuộc gọi, tin nhắn quấy rối, chửi bới. Theo thông tin ban đầu, từ đầu tháng 8/2016 đến nay, số điện thoại của Khoa Ung bướu - BV Thống Nhất TP.HCM liên tiếp nhận được những cuộc gọi quấy rối. Các cuộc gọi này hoàn toàn không đề cập đến chuyện tư vấn hay khám chữa bệnh mà là chửi bới tục tĩu và nhắm đến việc nhục mạ bà N.T.B.D, là nhân viên điều dưỡng đang làm việc tại khoa. Ngoài ra, các y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng trong Khoa Ung bướu cũng nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ kẻ lạ giấu mặt đến số máy cá nhân với nội dung tương tự. Cùng đó, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9/2016 đến nay, số điện thoại đường dây nóng của Phòng Hành chính Quản trị - BV Thống Nhất TP.HCM cũng nhận được những cuộc gọi quấy rối. Song song đó, việc kẻ lạ gọi điện, nhắn tin đến số điện thoại của Khoa Ung bướu và số điện thoại cá nhân của các y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng vẫn tiếp diễn.

quay roi benh vienCác cuộc gọi, tin nhắn quấy rối gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động chung của bệnh viện.

Trước vụ việc các cuộc gọi, tin nhắn quấy rối đến các phòng ban, đến các y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng cứ tiếp diễn, kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động chung, BV Thống Nhất TP.HCM đã trình báo công an. Từ đây, Cục An ninh Chính trị nội bộ thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã nhanh chóng xác định và phối hợp cùng Công an huyện Củ Chi, TP. HCM bắt giữ Dương Văn Dũng (SN 1968, ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, hiện là tài xế xe buýt) để tiến hành điều tra làm rõ. Bước đầu điều tra xác định, Dũng có mâu thuẫn, ghen tuông tình cảm với bà D. - là nhân viên điều dưỡng làm việc tại Khoa Ung bướu, BV Thống Nhất TP.HCM. Vì nỗ lực nói chuyện với bà D. không có kết quả nên Dũng bực tức gọi điện, nhắn tin đến các phòng ban, các đồng nghiệp nơi bà D. làm để quấy rối, để nhục mạ, chửi bới bà D.

Trước đó, vào giữa tháng 9/2016, Công an huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, cơ quan công an đã mời Lê Hoàng Sơn (29 tuổi, ngụ ấp An Thái, xã Mỹ An Hưng A) lên tống đạt quyết định xử phạt hành chính số tiền 2 triệu đồng, đồng thời cho đối tượng làm cam kết, giáo dục không tái phạm về hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Theo Công an huyện Lấp Vò, từ tháng 8/2016, Lê Hoàng Sơn đã dùng nhiều số điện thoại di động gọi trên 200 cuộc đến số điện thoại 115 của Khoa Cấp cứu, BVĐK huyện Lấp Vò để quấy rối bằng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa. Đặc biệt, riêng đêm 12 rạng sáng 13/8, Sơn đã liên tục điện trên 100 cuộc gọi vào số 115 của BV. Các cuộc gọi của Sơn đã làm lỗi kết nối của các cuộc gọi từ Khoa Sản và Khoa Nội của BV đến Khoa Cấp cứu để báo cáo tình hình khẩn cấp 2 ca bệnh nặng cần bác sĩ đến khám và xử trí do máy bận. Tại cơ quan công an, Lê Hoàng Sơn thừa nhận do nhậu say nên đã có hành vi trên.

Chế tài xử phạt còn nhẹ

Qua các vụ việc nêu trên có thể thấy hành vi dùng điện thoại để quấy rối, xâm phạm sức khỏe người khác, gây rối các cơ quan thi hành công vụ không phải là hiện tượng mới xuất hiện. Ngay cả với các số máy nóng gọi cấp cứu, cứu hỏa, 113 vẫn thường xuyên nhận những cuộc gọi báo tin giả, chửi bới, đe dọa. Tại Trung tâm Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP. Hà Nội, hàng ngày, các cán bộ tại đây luôn túc trực thường xuyên 24/24 để tiếp nhận những tin báo khẩn cấp của người dân. Tuy nhiên, trong số hàng nghìn tin gọi đến mỗi ngày, chỉ có khoảng 100 tin là có giá trị, còn lại là những tin “hoang báo”, nháy máy, nhằm trêu đùa, thậm chí là dùng những lời lẽ thô tục, xúc phạm lực lượng công an. Nhiều người đã bị triệu tập đến cơ quan công an để nhắc nhở, thậm chí là xử phạt hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, việc truy tìm, xác minh xử lý các số máy quấy rối trên cũng gặp không ít khó khăn và tốn nhiều thời gian công sức bởi phần lớn số máy gọi đến đều sử dụng sim rác. Bên cạnh đó, hiện nay chế tài xử lý đối với các hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe giáo dục. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng gọi điện quấy rối số đến các lực lượng cứu nguy khẩn cấp ngày càng gia tăng. Theo Trung úy Trần Minh Hoàng - cán bộ Trung tâm Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP. Hà Nội, có một số đối tượng gọi điện, trêu đùa, báo tin giả và thậm chí là lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ, với cường độ công việc cao và lượng tin xử lý lớn khiến chúng tôi cảm thấy rất ức chế và đôi khi cảm thấy rất buồn vì ý thức của người dân. Do đua đòi, hay nhận thức không đầy đủ về pháp luật mà nhiều đối tượng đã gọi điện quấy nhiễu lực lượng Cảnh sát 113. Tuy nhiên, không phải ai cũng lường hết được đằng sau những cuộc gọi tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy lại là những hệ lụy hết sức nghiêm trọng.

Theo luật sư Trần Vương Thảo (Ðoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo Nghị định 142/2004 của Chính phủ, hành vi “sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”. Ngoài ra, tùy vào mức độ, tính chất và có đủ căn cứ, hành vi quấy rối qua điện thoại sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự.


Thế Vinh – Ngọc Đỗ
Ý kiến của bạn