Hà Nội

Nguy hại từ nội dung phản cảm, dung tục trên mạng xã hội với trẻ nhỏ

28-12-2017 10:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, bên cạnh các kênh quảng cáo truyền thống trên truyền hình, báo in, radio...,

các doanh nghiệp cũng rót tiền vào các chiến dịch quảng bá nhờ các kênh trực tuyến như youtube, facebook, qua đó nhanh tiếp cận với người xem… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không khỏi giật mình khi thấy hình ảnh quảng bá cho sản phẩm của mình xuất hiện ở các trang web chuyên về tình dục hoặc rất nhiều quảng cáo nhãn hàng của các thương hiệu lớn bị chèn các nội dung phản cảm, dung tục. Trong đó, không ít mặt hàng quảng cáo bị chèn nội dung xấu, phản cảm là sản phẩm dành cho trẻ em như: sữa bột, kẹo bánh, đồ chơi…Điều này làm dấy lên những lo ngại vì trẻ em là đối tượng xem quảng cáo trên mạng nhiều nhất. Những hình ảnh độc hại trong các quảng cáo đó sẽ đầu độc trẻ, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của trẻ.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam, cứ 400 trẻ em thì có 78% trẻ có sử dụng internet. Việc để các nội dung xấu phát tán tới đối tượng người xem là trẻ nhỏ có ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ tương lai khi mà các em còn non nớt về nhận thức. Môi trường mạng là nơi cung cấp nhiều kiến thức nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với trẻ nhỏ khi trẻ còn chưa phân biệt được cái gì tốt, cái gì xấu. Trẻ nhỏ chỉ đơn giản là vào xem các clip vì nhu cầu giải trí, nhưng lại không hề biết đâu đó lại có nội dung xấu, rồi có cả những bình luận xấu, có tính ấu dâm thì vô cùng nguy hại. Chưa kể có rất nhiều sản phẩm phi văn hóa, đồi trụy, dâm ô, các đồ chơi bạo lực như súng, kiếm… không được quản lý chặt chẽ, do đó cả người lớn và trẻ em dễ bị tiêm nhiễm các thói hư, tật xấu dẫn đến sự lệch lạc về tâm hồn và đạo đức.

Ở nước ta hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy, trẻ em luôn phải được bảo vệ tốt nhất, không chỉ là vấn đề thân thể mà phải bảo vệ các em trước sự tác động của các thông tin độc hại, nhất là khi trẻ có thể tiếp cận các thông tin trên internet từ khi còn rất nhỏ. Vậy cần làm gì để bảo vệ trẻ em trước những hình ảnh xấu, độc hại trên mạng? Vấn đề này cần sự chung sức của toàn xã hội. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các tiêu chí cụ thể và xử phạt thật nghiêm khắc với quảng cáo phản cảm, gây hại cho trẻ nhỏ. Cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế để kiểm soát các video đảm bảo phù hợp với trẻ em, xử lý các doanh nghiệp quảng cáo các nội dung xấu độc, thúc đẩy sản xuất nhiều loại hình tuyên truyền giáo dục cho trẻ em tốt hơn.

Liên quan tới sự việc nhiều quảng cáo bị gắn các nội dung phản cảm, dung tục, thậm chí có tính ấu dâm trên youtube, các doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm cũng cần quyết liệt về vấn đề này. Thực chất, mục đích của quảng cáo là để thu hút sự chú ý của khách hàng, thuyết phục hoặc củng cố niềm tin của người tiêu dùng về những lợi ích, sự hấp dẫn của sản phẩm. Các mục tiêu chính nêu trên của doanh nghiệp không những không đạt được khi các quảng cáo sản phẩm xuất hiện bên cạnh những nội dung dung tục mà ngược lại, nó còn tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực từ phía người tiêu dùng khi xem những quảng cáo này. Trong trường hợp tiêu cực nhất, người tiêu dùng có thể sẽ tẩy chay những sản phẩm được quảng cáo xuất hiện trên hoặc bên cạnh các clip có nội dung xấu. Vì vậy, để bảo vệ thương hiệu của mình, tránh không xuất hiện trong những nội dung độc hại, cách nhanh nhất mà các doanh nghiệp nên áp dụng là ngừng quảng cáo trên các kênh có nội dung không lành mạnh này. Việc tẩy chay hay ngừng quảng cáo sẽ gây áp lực lên chính các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, buộc họ phải có biện pháp “làm sạch” kênh quảng cáo của mình. Hơn nữa, các doanh nghiệp có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo đã không giữ hình ảnh cho sản phẩm của họ.

Nhưng hơn hết, cha mẹ cần kiểm soát con cái sử dụng mạng internet, đồng thời áp dụng một số biện pháp như chặn hoặc không cho kết nối mạng internet đối với các clip youtube. Đối với các bé đã đi học, các thầy cô và cha mẹ cần kết hợp giáo dục con cái nhận thấy mối nguy hại từ những clip xấu trên mạng xã hội. Phụ huynh và thầy cô cần thẳng thắng trao đổi với các con mình về các mối nguy từ những clip xấu đó. Cha mẹ cần thảo luận với con cái về các vấn đề mà các con gặp phải. Từ đó, các con sẽ có ý thức hơn khi tiếp cận với các thông tin hoặc hình ảnh xấu trên mạng xã hội.


TRUNG KIÊN
Ý kiến của bạn