Khi người bệnh được cho dùng một chất nào đó không phải là thuốc nhưng có sự tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật và cơ thể có những đáp ứng cải thiện tình trạng bệnh giống như hiệu quả của thuốc thật thì hiện tượng đó được gọi là “hiệu ứng placebo”. Ngược lại, khi người bệnh xuất hiện những tác dụng không mong muốn giống như thuốc thật thì hiện tượng đó được gọi là “hiệu ứng nocebo”.
Hệ lụy từ hiệu ứng nocebo
Năm 2013, Tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal) đã đăng tải một báo cáo cho thấy việc dùng thuốc hạ cholesterol nhóm statin thì tác dụng phụ có thể lớn hơn lợi ích đối với một số bệnh nhân. Báo cáo này khởi động một cơn bão truyền thông ở Anh, đạt đỉnh điểm vào năm 2014 và dư âm của nó vẫn còn cho tới ngày nay. Ước tính 200.000 bệnh nhân ngừng dùng thuốc trong vòng 6 tháng sau khi báo cáo được đăng tải.
Trên thực tế, statin có thể gây ra tình trạng tiêu cơ vân nguy hiểm đến tính mạng với tỷ lệ một vài trường hợp trên 1 triệu người dùng. Nhưng tỷ lệ lớn các tác dụng phụ được ghi nhận không liên quan đến bất kỳ nguyên nhân dược lý nào mà chính là do hiệu ứng nocebo khiến người bệnh lo ngại và bỏ thuốc.
Trong trường hợp statin, tác hại của nocebo trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Một đánh giá năm 2016 cho thấy sẽ có ít nhất 2.000 ca biến chứng tim mạch ở Anh trong vòng 10 năm tới mà nguyên nhân đến từ các bệnh nhân đã ngừng sử dụng statin. Tại Mỹ, một nghiên cứu thuần tập ở Massachusetts trên 28.000 bệnh nhân trong 12 năm đã phát hiện ra rằng những người ngừng dùng statin có nguy cơ tử vong hoặc cơn đau tim hay đột quỵ cao hơn 13%.
Hiệu ứng nocebo có tác động tiêu cực tới điều trị.
GS. Andrea Evers - nhà tâm lý học sức khỏe Đại học Leiden, Hà Lan giải thích: Hiệu ứng nocebo gần như là đối lập với hiệu ứng placebo mà lâu nay chúng ta biết đến, nó hoạt động dựa trên các điều kiện tiêu cực giả định. Ví dụ, các bệnh nhân ung thư có nguy cơ cao bị buồn nôn sau khi hóa trị, do đó, họ luôn chờ đợi tác dụng phụ bất lợi này và chính sự lo lắng tạo ra kỳ vọng tiêu cực. Trong khi sức mạnh tích cực của hiệu ứng placebo được biết rõ thì chúng ta lại thường bỏ qua các tác động tiêu cực của hiệu ứng nocebo.
Nhiều ca lâm sàng kỳ lạ, thậm chí cả tử vong đã được ghi nhận đến từ hiệu ứng nocebo. Có trường hợp được báo cáo từ những năm 1970 mô tả 1 bệnh nhân ung thư đã tử vong sau khi bác sĩ thông báo với ông chỉ còn 3 tháng để sống. Nhưng khi khám nghiệm tử thi, người ta phát hiện ra rằng bệnh ung thư của ông đã bị chẩn đoán sai, ông không hề bị ung thư cũng như không thể chết bởi ung thư. Nguyên nhân tử vong có thể do hiệu ứng nocebo. Một trường hợp gần đây hơn đã ghi nhận người đàn ông tham gia một thử nghiệm lâm sàng cho thuốc chống trầm cảm. Ông không hề biết mình đang dùng giả dược và đã dùng quá liều - lên đến 29 viên, sau đó, ông phải nhập viện vì các triệu chứng bao gồm cả hạ huyết áp trầm trọng. Ngay khi ông được tiết lộ về việc dùng giả dược, các triệu chứng bất lợi đã nhanh chóng biến mất. Hiệu ứng nocebo cũng có thể gây ra những hiện tượng bệnh tâm lý đại chúng trên một số lượng lớn cá thể, tức là các triệu chứng không có nguyên nhân rõ ràng lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng.
GS. Andrea Everscho biết: Hiệu ứng nocebo có thể được quan sát thấy thường xuyên trong các thử nghiệm lâm sàng. Bệnh nhân có cùng một loại và số lượng các tác dụng phụ (giống như những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc thực sự) chỉ bởi vì họ đã đọc các thông tin trong hướng dẫn sử dụng.
Cùng quan điểm này, GS.TS. Christian Büchel - nhà nghiên cứu thần kinh và nhà nghiên cứu hiệu ứng nocebo thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Hamburg-Eppendorf, Đức cho biết: Hiệu ứng nocebo có tác động rất lớn đến kết quả lâm sàng, thậm chí nhiều hơn hiệu ứng placebo.
Tâm lý học và sinh học liên quan đến nocebo
GS.TS. Giuliana Mazzoni - nhà nghiên cứu tâm lý và khoa học thần kinh, Đại học Hull, Vương quốc Anh đã điều tra các cơ sở tâm lý của hiệu ứng nocebo và placebo. Để hiểu rõ hơn về nhận thức của con người về cảm giác đau trong các điều kiện khác nhau chẳng hạn như đau cơ, GS. Mazzoni đã sử dụng thí nghiệm ảo giác cánh tay cao su để đánh lừa nhận thức người tham gia. Bởi theo GS. Mazzoni, đau là một trải nghiệm rất chủ quan và số lượng cơn đau mà bệnh nhân nhận thức được là do một loạt các niềm tin từ bên trong và các yếu tố bên ngoài điều chỉnh những niềm tin đó chứ không phải là cường độ kích thích đau.
Các nhà khoa học cho rằng, nếu 10 hoặc 15 năm trước, placebo và nocebo được xem là những điều kỳ diệu chỉ có trong trí tưởng tượng thì ngày nay, qua nhiều nghiên cứu, chúng ta biết rằng chúng có cơ sở sinh học và cần phải xem trọng chúng. Các nhà khoa học cũng đang sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để cố gắng thăm dò các cơ chế sinh học của hiệu ứng placebo và nocebo. Dữ liệu cho thấy các hiệu ứng có liên quan đến những thay đổi thần kinh ở nhiều cấp độ. Những thay đổi này đã được xác định trong các vùng vỏ não, vùng dưới vỏ não và tủy sống - những khu vực có liên quan đến điều tiết cảm giác đau, trong đó bao gồm một khu vực được gọi là chất xám quanh cống não (PAG) được cho là trung tâm kiểm soát điều tiết đau của não.
Giải pháp cho hiệu ứng nocebo
Các hiệu ứng placebo và nocebo đã đặt các bác sĩ lâm sàng vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nhưng các nhà khoa học cũng đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Đó là mối giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân.Với sự nhiệt thành, đồng cảm và tin tưởng luôn nâng cao hiệu quả placebo và giảm hiệu ứng nocebo, nền tảng của giao tiếp là một phần quan trọng trong việc cân bằng các thông điệp tích cực và tiêu cực, bao gồm việc đảm bảo bệnh nhân hiểu được lý do điều trị. Có nhiều trường hợp sẽ chú ý đến phần tiêu cực của thông tin, như quá chú ý về tác dụng phụ. Do đó, bác sĩ cần giải thích tạo được sự tin tưởng vào tác dụng tích cực và thông tin trung thực về các tác dụng phụ.
Hiệu ứng placebo và nocebo cho thấy việc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc ngày càng trở nên rõ ràng. Việc chỉ kê đơn thuốc cho bệnh nhân là không đủ nữa bởi vì qua những nghiên cứu này, chúng ta biết rằng sức mạnh của bộ não có thể điều chỉnh các tác dụng phụ này.