Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thời gian gần đây, nhiều “thầy lang gia truyền” còn sáng tạo ra khâu khám bệnh và bán thuốc qua mạng bỏ qua khâu bắt mạch, kê đơn. Việc này cũng phát triển vì sự tiện lợi nên nhiều người mua. Vấn đề có hiệu quả hay không, hoặc kèm theo cả tác hại vì chất lượng thuốc, nguồn gốc thuốc... đang khiến nhiều bệnh nhân có nguy cơ rước họa vì chất lượng thuốc tù mù và bỏ lỡ cơ hội được điều trị đúng...
Niềm tin dễ dãi
Chị Nguyễn Đỗ X., 43 tuổi ở quận Tây Hồ, Hà Nội bị mắc bệnh viêm xoang, thời tiết thay đổi rất khó chịu. Chị cũng đi chữa vài nơi nhưng chưa hiệu quả và sợ phẫu thuật, nên khi tra cứu trên mạng xã hội, chị tình cờ đọc được lời quảng cáo: “Điều trị bệnh viêm xoang bằng thuốc Đông y gia truyền lâu đời của nhà thuốc Đông y giá thành thấp, hiệu quả nhanh, đã được kiểm chứng trên hàng vạn bệnh nhân trong và ngoài nước” của một “thầy” tự cho là có toa thuốc gia truyền chuyên trị xoang hiệu quả. Cẩn thận, chị X. còn đọc các bình luận bên dưới để kiểm chứng thì thấy khá yên tâm vì nhiều “lời khen và cảm ơn”. Thêm vào đó là cách khám bệnh đơn giản, chỉ cần chị viết ra triệu chứng, người bán thuốc sẽ kê đơn và gửi thuốc về tận tay cho chị, không phải đi lại, xếp hàng chầu chực, giá cũng vừa phải nên chị gật đầu mua luôn. Ban đầu chị thấy đúng là các triệu chứng giảm nên rất mừng. Nhưng sau khi sử dụng gần hết toa, chị thấy chân tay có dấu hiệu mỏi và có những cơn đau dạ dày. Về sau nghi ngờ, chị đi bệnh viện khám, thì ra trong thuốc “gia truyền” kia có trộn thêm chất corticoid. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh có cảm giác đỡ do có tác dụng giảm đau, song về lâu dài có thể gây phù nề, ảnh hưởng đến dạ dày, đại tràng.
Một sản phẩm thuốc gia truyền được quảng cáo trên mạng.
Việc khám, chữa bệnh, bán thuốc qua mạng kiểu như trên vẫn tồn tại âm ỉ bấy lâu nay dù chưa có sự bùng phát, nhưng chính vì vậy, rất khó nắm bắt được thị trường này cũng như con số người sử dụng. Thông thường chỉ đến khi có đột biến về hệ quả, như dị ứng thuốc hay ngộ độc... người ta mới kịp vào viện để chữa trị.
Hiện trên các mạng xã hội như facebook, zalo... không hiếm những dịch vụ “khám bệnh bán thuốc ảo” như vậy. Họ lấy “uy tín” bằng số lượng người chia sẻ, tán thành và lời khen dù không ai kiểm chứng nổi là thật hay giả. Đáng chú ý là có nhiều loại thuốc “gia truyền” khác nhau, đều là thuốc Đông dược, Nam dược... phù hợp cho đủ loại bệnh mạn tính, từ đau dạ dày, viêm gan, viêm thận đến viêm khớp, hôi nách, đái tháo đường, biếng ăn... Chính với cái mác “thảo dược”, nguồn gốc tự nhiên nên người sử dụng bị ảo giác rằng chúng không hề có hại, có chăng chỉ là vô tác dụng mà thôi, nhưng đây là quan niệm rất sai lầm hiện nay.
Nhiều hệ lụy nhưng khó xử lý
Một bác sĩ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thông thường thì Đông dược có tác dụng khá chậm, nhưng nhiều người hám lợi đã trộn thêm các chất tân dược. Thí dụ như corticoid chẳng hạn, đem lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng, nhưng hậu quả lại khó lường nếu quá liều lượng. Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng khi lạm dụng corticoid hoặc dùng phải thuốc Đông y trộn chất này, nhẹ thì bị phù thận, suy thận, loãng xương, đau dạ dày, nặng thì xuất huyết tiêu hóa, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Thuốc, kể cả Đông dược đều là mặt hàng tác động đến sức khỏe con người nên rất được các cơ quan quản lý lưu tâm. Tuy nhiên, việc xử lý những người kinh doanh thuốc Đông y không có địa điểm kinh doanh rõ ràng vốn rất khó, nhất là bán qua mạng.
Nhiều người luôn quan niệm rằng thuốc Bắc, thuốc Đông dược có nguồn gốc cây cỏ tự nhiên, không bao giờ ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu không chữa được bệnh cũng không hại gì. Thực tế không phải như vậy, bởi nếu nguồn gốc thuốc mập mờ, chưa kể thuốc giả, thuốc tẩm hóa chất thì tác hại lại vô chừng.
Thực tế vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an đã phối hợp với Cục Hải quan Lạng Sơn kiểm tra 3 xe ôtô chở khoảng 70 tấn thuốc Bắc, trị giá trên 10 tỷ đồng, từ cửa khẩu Chi Ma vào Lạng Sơn. Kết quả kiểm tra cho thấy, hàng chục mặt hàng thuốc Bắc không có nhãn mác, ngày sản xuất, đóng gói không ghi trọng lượng và không có thời hạn sử dụng. Quá trình kiểm tra, phát hiện trên nhiều bao tải chứa dược liệu gắn nhãn mác Kincare (China Guangzhou Kincare Medicine Technology Co., Ltd), một số bao không gắn nhãn mác hoặc nhãn mác viết tay. Đáng nói, với 12 mặt hàng yêu cầu phải có phiếu kiểm nghiệm như phục linh, cát cánh, hoàng kỳ, khương hoạt, đảng sâm, xuyên khung, phòng phong, bạch truật, độc hoạt, hoàng liên, mộc hương, tế tán thì doanh nghiệp lại không có. Cùng với đó, đa số nhãn mác trên bao bì chỉ ghi thông tin tên loại dược liệu, còn những thông tin về xuất xứ, quy cách đóng gói, số lô, khối lượng tịnh, cách bảo quản thì để trống.
Cách đây không lâu, cơ quan chức năng đã lấy mẫu một số sản phẩm thuốc Đông y trên thị trường. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, không ít mẫu có chứa chất phẩm màu Rhodamine B, với các hàm lượng khác nhau. Đây là hóa chất nhuộm màu có khả năng gây độc cấp tính, dị ứng da, thậm chí có thể gây ung thư. Bên cạnh đó, một số sản phẩm còn chứa tân dược như corticoid (giảm đau), chlopheniramin (chống dị ứng)... gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Theo BS. Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông yViệt Nam thì thuốc Đông y đảm bảo chất lượng có tác dụng rất tích cực trong điều trị bệnh. Tuy nhiên vẫn cần phù hợp với bệnh trạng và hiện trên thị trường tồn tại thuốc Đông y nhập lậu, trong thành phần có cả tân dược, thường có hàm lượng kim loại nặng và chất bảo vệ thực vật, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.
Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần phải khám bệnh ở những nơi có uy tín, đã được cấp phép và sử dụng thuốc theo chỉ định của những người có chuyên môn, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc chỉ vì tin theo quảng cáo và tin đồn để rồi tiền mất tật mang, lại mất cả cơ hội điều trị bệnh khi còn nhẹ.
Bình An