Hà Nội

Nguy hại khi tự dùng thuốc “bổ thận, tráng dương”

20-11-2019 09:17 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Hiện nay nhiều “đấng mày râu” khi có những trục trặc trong chuyện “chăn gối” thường tự tìm và mua dùng thuốc gọi là “bổ thận, tráng dương”.

Thuốc “bổ thận, tráng dương” của y học cổ truyền (YHCT) được dùng là những bài thuốc, vị thuốc chỉ được dùng để chữa các chứng bệnh mang tính chất “thận dương hư suy”, còn thuốc dùng trong Tây y gọi là thuốc trị “rối loạn cương”. Cả hai loại thuốc này nếu dùng tùy tiện có khi chỉ gặp sự nguy hại khôn lường.

Hầu hết các loại thuốc bổ thận, tráng dương của YHCT và Tây y nói chung, nếu là thuốc thật sự và dùng thuốc đúng cách, có thể cho tác dụng giúp cho nam giới tăng cường sinh lực, sung mãn hơn trong việc sinh hoạt giường chiếu. Trong đó, có thuốc bổ thận có tác dụng bổ sung kích thích cơ thể sinh ra nội tiết tố nam testosterone, đây là một loại nội tiết tố chính trong cơ thể có khả năng giúp nam giới sản sinh ra lượng tinh dịch nhiều hơn và tăng cường ham muốn giường chiếu.

Thuốc bổ thận, tráng dương của YHCT

Tác dụng của thuốc bổ thận, tráng dương của YHCT được cho là kích thích cơ thể, trong đó có hệ sinh dục, tự phục hồi khả năng của mình chứ không phải là sự thay thế như ta dùng liệu pháp hoóc-môn sinh dục của y học hiện đại.

Nhiều thầy thuốc YHCT cho rằng, thuốc bổ nói chung và thuốc bổ thận, tráng dương nói riêng của YHCT cũng có vai trò hết sức quan trọng và rất cần thiết cho việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của con người, cải thiện đời sống sinh lý của nam giới. Vấn đề là khi sử dụng phải hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc dùng thuốc của YHCT. Suy cho cùng, dù là thuốc bổ hay thuốc trị bệnh, nếu người ta sử dụng chúng không đúng bệnh, đúng người, đúng phương pháp thì không thể đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn gây ra những hậu quả rất đáng tiếc.

Nguy hại khi tự dùng thuốc “bổ thận, tráng dương”Thuốc bổ thận, tráng dương của YHCT phần lớn là các loại dược thảo và dùng ở dạng rượu thuốc

Nếu dùng thuốc YHCT không đúng, như người bị liệt dương, xuất tinh sớm thuộc thể “âm hư hỏa vượng” mà lại dùng các chế phẩm YHCT là các vị thuốc bổ dương và thuần dương, hậu quả sẽ lâm vào tình trạng “lợi bất cập hại”, không chữa được gì hết. Chẳng khác nào bắt một con ngựa đã què phải leo dốc trong khi chiếc xe mà nó kéo lại là xe “bánh vuông”?! Phải xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh, xác định chính xác phần nào hư để mà bổ, bổ sao cho đủ không thiếu không thừa mới có thể mang lại hiệu quả.

Phải hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc dùng thuốc của YHCT

Thuốc bổ thận, tráng dương của YHCT phần lớn là các loại dược thảo và dùng ở dạng rượu thuốc, nhưng cần lưu ý thuốc loại này cũng có những độc chất như thuốc tây y; vì vậy, phải thật cẩn trọng khi sử dụng. Vì nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó “bổ thận, tráng dương” nhiều đấng mày râu tự tiện, sử dụng - trong khi chưa biết trong thuốc ấy thật giả như thế nào, có chứa độc chất hay không. Lạm dụng không chỉ dẫn không đến không hết liệt dương, xuất tinh sớm mà còn bị viêm gan, suy thận cấp rất tệ hại. Đã có báo cáo từ các bệnh viện, không ít người đột nhiên phải nhập viện vì suy thận cấp, cũng không ít người rơi vào tình trạng phải lọc máu, chạy thận cả đời vì chức năng thận không thể hồi phục sau khi dùng mấy loại thuốc được thần thánh hóa là bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực của cánh đàn ông.

“Thuốc bổ thận, tráng, dương” của Tây y

Đối với Tây y, thuốc bổ thận, tráng dương chủ yếu trị rối loạn cương, được định nghĩa như sau:

Rối loạn cương (RLC) là tình trạng không đủ khả năng đạt tới hoặc duy trì sự cương của nam giới đủ cho sự giao hợp bình thường, và tình trạng này kéo dài, xảy ra nhiều lần trong ít nhất là ba tháng”.

Nếu tình trạng rối loạn chỉ xảy ra đôi ba lần trong thời gian ngắn (ít hơn 3 tháng), do tác động của những tình huống bất thường (như phiền muộn, trầm cảm, do tác động của rượu) thì đó chưa phải là bệnh mà là rối loạn tạm thời, sự ổn định tâm lý sẽ giúp khắc phục rối loạn. Còn tình trạng rối loạn kéo dài hơn 3 tháng, người bệnh cần đến bác sĩ khám để được chẩn đoán và nếu cần sẽ được điều trị.

Hiện nay có 3 loại thuốc viên uống được chấp thuận dùng trong điều trị RLC: sildenafil (Viagra), vardenafil (Levitra), tadalafil (Cialis).

Thuốc thuộc nhóm có tên thuốc ức chế men PDE5 vì ức chế cạnh tranh và chọn lọc làm cho enzym phosphodiesterase (PDE) týp 5 không hoạt động. Nhờ vậy, thuốc ức chế PDE5 có tác dụng làm giảm nồng độ canxi trong tế bào cơ trơn mạch máu ở dương vật, mạch máu dương vật giãn ra giúp dồn máu vào xoang thể hang và giúp khởi phát, duy trì sự cương. Tức là, ta có thể hình dung dương vật như một mạch máu lớn. Khi dùng thuốc ức chế PDE5 và có kèm theo sự kích thích tình dục, thuốc làm cho mạch máu lớn này nở rộng ra, máu đi vào dương vật nhanh hơn là máu thoát ra. Kết quả là có sự “trên bảo dưới sẽ nghe” tức có sự cương.

Do cơ chế của thuốc có liên quan đến mạch máu, cho nên có lời khuyên, những người bị các bệnh lý tim mạch, trong đó có những người bị bệnh tăng huyết áp, thận trọng tránh dùng thuốc. Đặc biệt, thuốc ức chế PDE5 có chống chỉ định (tức hoàn toàn không được dùng) ở người đang dùng thuốc là dẫn chất nitrat, nitrit (như nitroglycerin dạng uống hoặc dùng băng dán trên ngực, người bị các bênh lý tim mạch thường dùng thuốc loại này). Bởi vì, sẽ có tương tác thuốc gây tụt huyết áp nguy hiểm. Riêng vardenafil và tadalafil còn chống chỉ định khi đang dùng thuốc chẹn alpha trị bệnh tim mạch (prazosin, doxazosin…).

Thuốc trị RLC hiện nay chỉ nên dùng khi đã được bác sĩ chuyên khoa (nam khoa, tiết niệu, nội tiết…) khám và chỉ định thuốc, chứ không thể dùng tùy tiện. Người bị RLC phải kể rõ cho bác sĩ biết mình đang bị các loại bệnh gì, trong đó có bệnh tim mạch hay đái tháo đường, đang dùng các loại thuốc gì. Như vậy, việc dùng thuốc mới an toàn.

Cần lưu ý, hiện nay có tình trạng thuốc Đông y giả mạo và một số chế phẩm thực phẩm chức năng gian dối có chứa thuốc trị RLC Tây y. Đấng nam giới nào tự mua thuốc bổ thận, tráng dương trôi nổi theo lời mách bảo và tùy tiện dùng các thứ giả mạo vừa kể thì thật là nguy hiểm.


PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn