Nguy hại của tình trạng nhiễm độc chì

27-07-2015 14:21 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo thông tin ghi nhận, tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, hình thành một làng nghề tái chế chất chì từ vật liệu phế thải của pin và bình ắc quy. Nhiều người dân ở đây bị nhiễm độc chì, đặc biệt là trẻ em gây nguy hại đến sức khỏe.

Trước đây, xét nghiệm nhanh 500 trẻ em ở trong thôn Đông Mai ghi nhận có đến 97% số trẻ bị phơi nhiễm chì với hàm lượng vượt từ 3 - 7 lần so với mức cho phép; người lớn cũng có kết quả xét nghiệm chất chì cao hơn mức bình thường. Thực trạng hiện nay cần có giải pháp cho người dân ở nơi đây và những nơi có nguy cơ nhiễm độc vì lý do khác.

Nguyên nhân gây nhiễm độc chì

Bình thường nồng độ chì trong máu toàn phần khi xét nghiệm phải dưới 10µg/dL và lý tưởng nhất là không có chất chì ở trong máu. Tuy vậy, những người có tiếp xúc trực tiếp với chất chì bằng nhiều nguồn khác nhau có thể bị nhiễm chì, dần dần dẫn đến khả năng gây nhiễm độc như:

Dùng các loại thuốc nam để uống hoặc bôi mà dân gian thường gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi... lưu hành bất hợp pháp trên thị trường do thuốc có chứa chì.

Sử dụng các loại sơn có thành phần chì gồm những loại sơn cũ, dùng sơn có chất chì để sơn trên đồ chơi của trẻ em.

Ảnh hưởng từ môi trường sống do hít bụi từ loại sơn cũ có chất chì, tiếp xúc với đất bị nhiễm sơn chì, bị ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp có dùng chì, dùng xăng dầu có pha chì, dùng nguồn nước từ đất bị ô nhiễm chì, sử dụng hệ thống ống dẫn nước loại cũ bằng chất liệu chì, hít thở không khí từ các hoạt động công nghiệp có chì, hít phải khói xăng dầu có chất chì.

Làm các loại nghề nghiệp có nguy cơ cao bị phơi nhiễm chì gồm việc sửa chữa bộ tản nhiệt của động cơ, sản xuất thủy tinh, hướng dẫn tập bắn súng, thu gom đạn, nung nấu chì, tinh chế chì, đúc chì, cắt chì, pha chế và sử dụng sơn chì; công nhân xây dựng có tiếp xúc với sơn chì, sản xuất nhựa polyvinil chloride; phá và dỡ bỏ vỏ tàu; sản xuất, sửa chữa, tái sử dụng và tái chế chì từ các loại pin và ắc quy.

Sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp với vỏ đồ hộp có chất hàn gắn bằng chất chì hoặc sử dụng các loại thực phẩm bị ô nhiễm chì từ môi trường không được kiểm soát tốt.

Thường xuyên tiếp xúc với các nguồn khác có chất chì như vật dụng đồ gốm, sứ thủ công có chì; mang mảnh đạn chì trên cơ thể, sử dụng pin có chì, dùng lưới đánh bắt cá có buộc gắn mảnh chì...

Lời khuyên của thầy thuốc

Các nhà khoa học đã khuyến cáo nếu người mẹ bị nhiễm độc chì thì tốt nhất là không nên cho con bú, cần phải xét nghiệm chất chì ở trong sữa mẹ, nếu chất chì ở trong sữa mẹ ở mức độ thấp không đáng kể mới được cho trẻ bú mẹ. Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị nhiễm độc chì từ người mẹ, phải áp dụng biện pháp sử dụng thuốc giải độc chì cho trẻ theo quy định. Nếu người phụ nữ đang bị nhiễm độc chì, không nên có thai trong thời điểm này, chỉ nên có thai sau khi xét nghiệm máu thấy có nồng độ chì dưới 10µg/dL.

 

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Mời xem tiếp bài 2: Ứng phó nhiễm độc chì chẩn đoán điều trị ra ngày 28/7/2015

 

 


Ý kiến của bạn