Nguy cơ với người bệnh tim mạch khi nắng nóng

26-07-2020 17:47 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Bố tôi 68 tuổi, bị bệnh mạch vành và tăng huyết áp. Khi trời nóng, ông vẫn đi ra ngoài trời rồi về kêu mệt. Xin hỏi bác sĩ, nguy cơ nào với người bệnh như bố tôi trong trời nóng? Mong bác sĩ cho lời khuyên.

Vũ Hằng (Hà Nội)

Trời nóng có ảnh hưởng không tốt tới bệnh nhân tim mạch. Với người mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tim phải tăng hoạt động làm tăng nhu cầu oxy, trong khi tuần hoàn mạch vành không đáp ứng đủ nên dễ dẫn đến thiếu máu cơ tim (gây triệu chứng đau thắt ngực, mệt, khó thở), nặng hơn có thể gây nhồi máu cơ tim. Thể tích tuần hoàn giảm khi thời tiết nóng cũng gây hiện tượng máu bị cô đặc, làm tăng nguy cơ tắc mạch do cục máu đông (huyết khối).

Vì vậy, trong tiết trời nắng nóng, người bệnh tim mạch nên hạn chế ra ngoài trời. Nên uống đầy đủ nước, không để bị khát, ở môi trường thoáng mát, tránh làm việc dưới trời nắng để giữ thân nhiệt ổn định. Những ngày có nhiệt độ trên 33°C, nếu người bệnh ra ngoài, nên dùng ô che nắng, không nên ở ngoài trời lâu quá, đặc biệt lúc giữa trưa và đầu giờ chiều để tránh bị sốc nhiệt. Khi gặp phải dấu hiệu sốc nhiệt như: sốt cao, da khô nóng mà không đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn và/hoặc nôn, lơ mơ (mất tri giác), bất tỉnh..., cần gọi ngay người giúp đỡ, cần làm mát cơ thể ngay lập tức (vào chỗ mát, uống nước mát, lau người bằng khăn lạnh) nhằm hạ nhiệt, sau đó đưa đi cấp cứu.

Ngoài ra, người bệnh phải sử dụng đều đặn các thuốc điều trị để phòng ngừa bệnh triến triển xấu đi. Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài kèm theo khó thở, phù, tim đập nhanh, đau ngực... cần liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị kịp thời.

BS. Trung Thành


Ý kiến của bạn