Nguy cơ với nam giới trưởng thành khi tinh hoàn ẩn

23-09-2020 19:32 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tinh hoàn ẩn là tình trạng mà lúc sinh ra một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu nhưng nằm ở bụng hoặc chỉ xuống bìu một phần. Thường chỉ một tinh hoàn bị ảnh hưởng nhưng khoảng 10% trẻ bị cả hai tinh hoàn.

Trong thời kỳ bào thai, 2 tinh hoàn nằm ở vị trí phía sau sát 2 thận. Khi thai nhi được 8 tháng tuổi, cả 2 tinh hoàn đã di chuyển từ bụng qua bẹn rồi xuống bìu trước khi trẻ chào đời. Khi tinh hoàn không di chuyển được xuống bìu thì gọi là tinh hoàn ẩn. Tỷ lệ mắc tinh hoàn ẩn ở bé trai là khoảng 3-4% ở trẻ trai khi sinh, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ sinh nhẹ cân, sinh non, sinh đôi.

Trong nhiều trường hợp, tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được 3 tháng tuổi. Nếu tinh hoàn không nằm trong bìu cho đến khi 6 tháng tuổi, rất khó để tinh hoàn tự động đi xuống và cần được điều trị. Có 2 dạng tinh hoàn ẩn:

Tinh hoàn ẩn sờ thấy: sờ được tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn lò xo.

Tinh hoàn ẩn không sờ thấy: tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu, trong ổ bụng, không sờ thấy tinh hoàn.

Tinh hoàn ẩn và tinh hoàn lạc chỗ là hai thuật ngữ thường dễ bị nhầm lẫn với nhau:

Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm dọc theo đường đi của tinh hoàn (trong bụng, lỗ bẹn sâu, ống bẹn, lỗ bẹn nông).

Tinh hoàn lạc chỗ là sau khi ra khỏi lỗ bẹn nông, tinh hoàn đi lạc tới một vị trí khác mà không đến bìu (tầng sinh môn, dây chằng bẹn, cân đùi).

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tinh hoàn ẩn, bao gồm:

Cân nặng lúc sinh thấp: gần 100% tất cả các bé trai nặng dưới 0,9kg khi sinh sẽ có tinh hoàn ẩn.

Sinh non: tinh hoàn ẩn thường xảy ra ở khoảng 3% bé trai sinh đủ tháng và khoảng 30% trẻ sinh non.

Tiền căn gia đình bị tinh hoàn ẩn hoặc các vấn đề phát triển hệ sinh dục khác. Bệnh lý thai nhi ngăn cản tăng trưởng như hội chứng Down hoặc khiếm khuyết thành bụng. Mẹ sử dụng rượu trong thai kỳ, hút thuốc trực tiếp hoặc hít phải khói thuốc, bị béo phì, đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ. Bố mẹ tiếp xúc với thuốc trừ sâu.

Tư vấn khám nam khoa.

Tư vấn khám nam khoa.

Triệu chứng tinh hoàn ẩn

Triệu chứng tinh hoàn ẩn ở bé trai: không nhìn thấy hoặc sờ thấy tinh hoàn ở vị trí bình thường ở bìu.

Triệu chứng tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành: tự sờ thấy trong bìu không có tinh hoàn hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên. Bìu kém phát triển, tinh hoàn ẩn càng cao thì bìu càng kém phát triển.

Khi chỉ sờ thấy một bên tinh hoàn, tình trạng này có thể là:

Tinh hoàn co rút: tinh hoàn di chuyển lên xuống giữa bìu và bẹn, có thể dễ dàng xuống bìu trở lại khi thăm khám.

Tinh hoàn đi lên hay tinh hoàn ẩn mắc phải: nghĩa là tinh hoàn quay trở lại bẹn và không thể dùng tay để xuống bìu lại được.

Nguy cơ vô sinh với người trưởng thành mắc tinh hoàn ẩn

Chứng tinh hoàn ẩn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ở người trưởng thành nếu không được điều trị sớm.

Một số trường hợp bệnh nhân để tình trạng kéo dài, rất muộn sau tuổi dậy thì mới đi khám bệnh. Khi đó tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành thường đã bị teo nhỏ. Điều trị lúc này là phẫu thuật cắt tinh hoàn vì tinh hoàn đã mất chức năng và cũng để ngừa nguy cơ ung thư hóa của tinh hoàn ẩn. Trong tất cả các trường hợp ung thư tinh hoàn thì ung thư tinh hoàn xảy ra trên tinh hoàn ẩn chiếm 10%. Nguy cơ ung thư của tinh hoàn ẩn cao gấp 40 lần tinh hoàn ở vị trí bình thường.

Tinh hoàn ẩn thường có kích thước nhỏ hơn bình thường, nhu mô thường mềm nhão. Sự thay đổi về mô học của các tinh hoàn ẩn có thể ảnh hưởng tới tinh trùng, gây vô sinh. Nếu bệnh nhân chỉ bị ẩn tinh hoàn một bên thì vẫn có khả năng có con nhưng có nhiều rủi ro do nguy cơ bị ung thư bên tinh hoàn ẩn. Trường hợp người bệnh bị tinh hoàn ẩn hai bên thì nguy cơ vô sinh rất cao. Những người này thường có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng. Thậm chí, có người còn không thể quan hệ tình dục được do thiếu hụt nội tiết tố trầm trọng.

Vì vậy, khi phát hiện trẻ có tinh hoàn ẩn, cần cho đi điều trị trước 2 tuổi.


BS. Đinh Mạnh Trí
Ý kiến của bạn