Ngày 12/3, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên phát hiện và tiến hành phá nhổ 2 nương thuốc phiện với tổng diện tích trên 1,2ha tại địa bàn xã Nà Tấu, Điện Biên. Trước đó, tỉnh Yên Bái đã phá hủy 1,44ha cây thuốc phiện trồng trái phép. Điều này đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tái trồng cây thuốc phiện hiện nay.
Qua một thời gian rà soát, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, từ ngày 09 đến ngày 12/3, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên phối hợp với các ban, ngành của huyện và chính quyền địa phương phát hiện và tiến hành phá nhổ 2 nương thuốc phiện với tổng diện tích trên 1,2ha tại địa bàn xã Nà Tấu. Tại khu vực rừng Pa Thoóng, cách trung tâm bản Hua Rốm 40km đường rừng (giáp với xã Mường Pồn, huyện Điện Biên và bản Nà Pen, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên), đoàn công tác gồm các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện tại xã Nà Tấu có 4 nương thuốc phiện với tổng diện tích trên 5.000m2 cây thuốc phiện đang trong thời kỳ chiết nhựa. Ông Giàng A Chợ – Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, người dân trước kia đã được học tập và quán triệt không trồng cây thuốc phiện, đã bỏ một thời gian, nhưng một số người do nghiện nên trồng để sử dụng. Còn tại khu vực đầu nguồn Nặm Khẩu Hú, cách trung tâm bản Hua Rốm, xã Nà Tấu 50km (là khu vực ngã ba giáp ranh với xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng và xã Mường Mươn, huyện Mường Chà), đoàn công tác cũng đã phát hiện 3 nương có tổng diện tích 7.300m2 trồng cây thuốc phiện cũng đang trong thời kỳ chiết lấy nhựa.
Để tránh tình trạng tái trồng cây thuốc phiện cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật thường xuyên cho bà con.
Còn tại Yên Bái, UBND huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có văn bản gửi UBND huyện Phù Yên (Sơn La) đề nghị phối hợp triệt phá diện tích trồng cây thuốc phiện vừa được nhân dân và các lực lượng chức năng huyện Trạm Tấu phát hiện trồng lén lút tại những khu vực giáp ranh giữa hai huyện với diện tích khoảng 1,44ha. Cụ thể, tại khu vực xã Suối Tọ (Phù Yên) giáp ranh thôn Tà Đàng, xã Tà Xi Láng thuộc huyện Trạm Tấu phát hiện 17 mảnh nương, huyện Trạm Tấu đã tổ chức phá bỏ 5 mảnh với diện tích 3.300m2 cây thuốc phiện cao 15cm, còn 12 mảnh nương với diện tích ước tính khoảng 11.100m2 cây mới mọc chưa thể phá được. Số diện tích cây thuốc phiện này do những đối tượng nghiện hút trồng, hiện chưa xác minh được danh tính. Báo cáo của 54/63 tỉnh, thành cho thấy, trong niên vụ 2011- 2012, diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy tại nước ta đã tăng khoảng 14% so với niên vụ trước. Cũng trong niên vụ 2011 – 2012, lực lượng chức năng cả nước phát hiện và tiêu hủy gần 34 ha cây thuốc phiện, tập trung ở các tỉnh: Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu... Riêng ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, cũng đã phát hiện và triệt phá trên 5 tấn cần sa tươi và gần 9.200 cây cần sa.
Theo Đại úy Đỗ Ngọc Minh – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, để kịp thời phát hiện có nhiều cây thuốc phiện trên địa bàn huyện Điện Biên, yếu tố quan trọng nhất chính là bởi tranh thủ sự hiểu biết, sự nhiệt tình ủng hộ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Điện Biên, vì bà con có hiểu biết thì mới không trồng cây thuốc phiện, có hiểu biết mới kịp thời phát hiện và báo cho lực lượng chức năng để cùng lực lượng chức năng tiến hành phá nhổ, tiêu hủy. Cũng theo các cơ quan chức năng, hầu hết các loại cây có chứa chất ma túy được trồng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhất là ở các tỉnh miền núi, xen lẫn trong các loại cây trồng thông thường, nhiều trường hợp còn trồng ngay trong nhà… nên rất khó phát hiện. Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, chế biến ma túy là lợi dụng sự thiếu hiểu biết và “hám lợi” của một bộ phận người dân, thuê họ trồng cây rồi mua lại với giá cao. Nhiều người thậm chí còn không biết mình đang tiếp tay cho tội phạm. Khi bị phát hiện và được các cơ quan chức năng giải thích, nhiều bà con mới chưng hửng vì vốn dĩ cây cần sa vẫn tồn tại trong dân gian với tên gọi là cây “thuốc gà”, không mấy ai biết đây là loại cây cấm, không được phép gieo trồng.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La xuất hiện tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, tuy chỉ nhỏ lẻ và thường rơi vào một bộ phận bà con nhân dân các dân tộc còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, nhưng tình trạng này là lời cảnh báo đối với các cơ quan chức năng về nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn, có khả năng gây ra những ảnh hưởng lớn tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Lê Tú