Nguy cơ tự tử tăng gấp 4 lần sau chẩn đoán ung thư phổi

26-05-2017 08:38 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu mới đây cho thấy, những người bị ung thư phổi tăng nguy cơ tự tử.

Mặc dù bản thân việc có chẩn đoán ung thư đã làm tăng đáng kể nguy cơ tự tử, song nghiên cứu này cho thấy những người có chẩn đoán ung thư phổi tăng gấp hơn 4 lần nguy cơ tự tử so với dân số chung.

Nghiên cứu này đã xem xét dữ liệu từ hơn 3 triệu bệnh nhân trong thời gian 40 năm. Có chẩn đoán ung thư liên quan với hơn 6.600 trường hợp tự tử. Ở những bệnh nhân ung thư phổi, những nhóm có nguy cơ tự tử bao gồm người Châu Á, những người đã bị di căn, bệnh nhân từ chối phẫu thuật, bệnh nhân lớn tuổi và nam giới góa vợ.

Nguy cơ tự tử tăng gấp 4 lần sau chẩn đoán ung thư phổi

Tác giả chính của nghiên cứu bác sĩ Jeffrey Port tin rằng nguy cơ tự tử tăng là vì một số lý do. Thứ nhất, hầu hết mọi người đều xem ung thư là bệnh nguy hiểm với rất ít hy vọng chữa khỏi. Thứ hai, ung thư phổi là bệnh mà nhiều người tin rằng do hậu quả của việc hút thuốc lá và do đó họ có cảm giác tội lỗi. Thứ ba, nhiều bệnh nhân ung thư phổi cũng gặp các vấn đề sức khỏe khác do hút thuốc lá như bệnh tim. Vì vậy, họ thấy suy sụp và cho rằng không thể điều trị. Cuối cùng, không giống ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và các dạng ung thư khác thường có mạng lưới hỗ trợ lớn từ những người sống sót, những người sống sót sau ung thư phổi không nhiều và vì vậy mạng lưới hỗ trợ còn hạn chế.

Bác sĩ Jorge Gomez tại bệnh viện Mount Sinai ở New York cho biết, một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ tự tử tăng cao hơn ở thời điểm bắt đầu điều trị, khoảng 6 tháng tới 1 năm sau khi có chẩn đoán, do bị trầm cảm, stress, lo âu và tuyệt vọng. Vì vậy, quan trọng là những thành viên trong gia đình, bạn bè và người chăm sóc cần phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trầm cảm ở bệnh nhân để điều trị kịp thời.


BS P.Liên
Ý kiến của bạn