Hà Nội

Nguy cơ từ thuốc trị đái tháo đường mới

09-10-2018 11:45 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Khi đọc trên báo chí thông tin về nguy cơ gây tác dụng có hại (ADR) của một thuốc đó là thông tin để tham khảo và cảnh giác chứ người đang dùng thuốc hoàn toàn không nên quá lo lắng tìm cách ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị đã chỉ định dùng.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là rối loạn chuyển hóa do nhiều nguyên nhân, được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính đưa đến rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ; hậu quả là do từ sự thiếu hụt insulin là nội tiết tố do tuyến tụy tiết ra. Tùy theo tình trạng thiếu hụt insulin, người ta phân biệt có 2 loại ĐTĐ: ĐTĐ týp 1 và ĐTĐ týp 2. Riêng ĐTĐ týp 2 là do có sự thiếu insulin tương đối do chỉ giảm sự tiết insulin hoặc có sự đề kháng insulin (tức insulin không nhạy cảm, không cho tác dụng trên các cơ quan đích như mô cơ, mô gan. Thông thường người bị ĐTĐ týp 2 không dùng đến thuốc là insulin mà dùng thuốc hạ đường huyết loại uống tác động theo các cơ chế khác nhau.

Có 8 nhóm thuốc trị ĐTĐ týp 2 (thuốc ĐTĐ2) đang được dùng hiện nay. Trong đó, có 7 nhóm có cơ chế tác dụng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến insulin, còn nhóm thuốc mới nhất có cơ chế hoàn toàn khác. Bảy nhóm thuốc liên quan đến insulin gồm có:

Nhóm sulfonylure (glibenclamid, glipizid, glicazid, glimepirid): có tác dụng kích thích tế bào bêta tuyến tụy tiết ra insulin nhiều hơn.

Nhóm biguanid: chỉ có một thuốc được sử dụng là metformin. Tác dụng của thuốc là làm cải thiện tình trạng kháng insulin, giúp insulin tác dụng tốt trên các cơ quan đích như mô cơ, mô gan.

Nhóm ức chế men alpha-glucosidase (acarbose, voglibose, miglitol): ức chế alpha-glucosidase là một enzym nằm ở tế bào biểu mô niêm mạc ruột non đảm nhận việc phân giải các đường disaccharid và carbohydrat, vì vậy sẽ làm giảm sự hấp thu đường tại ruột. Tức giúp giảm sự sử dụng insulin.

Nguy cơ từ thuốc trị đái tháo đường mớiTác dụng phụ thường gặp đã được ghi nhận của thuốc ức chế SGLT2 là gây nhiễm trùng tiết niệu, đặc biệt gây nhiễm nấm ở cơ quan sinh dục

Nhóm glinid (repaglinid, nateglinid): kích thích tế bào bêta tuyến tụy tiết ra insulin giống như nhóm sulfonylure, đạc biệt sau khi ăn.

Nhóm thiazolidinedion (chỉ dùng một thuốc pioglitazon): làm tăng độ nhạy của mô với insulin hay làm giảm sự đề kháng insulin giống như nhóm biguanid.

Nhóm thuốc tăng cường tác dụng incretin (exenatid, ligaritid): hiện nay, người ta phát hiện sự giảm khả năng tiết insulin của tuyến tụy còn bị chi phối bởi các chất có tên incretin do niêm mạc đường tiêu hóa tiết ra khi thức ăn đi qua dạ dày - ruột. Thuốc nhóm này trị ĐTĐ týp 2 theo cơ chế gọi là chất tăng tác dụng incretin, tức gián tiếp tăng tác dụng của insulin.

Nhóm thuốc ức chế enzym DPP-4 (sitagliptin, vildagliptin): người ta cũng phát hiện các incretin sau khi được tiết ra sẽ hoạt động một thời gian ngắn (5-6 phút) và sau đó bị phân hủy bởi enzym thủy phân peptid có tên DPP-4 (dipeptidyl-peptidase-4). Thuốc ức chế DPP-4 do bất hoạt enzym phá hủy incretin nên kéo dài đời sống của hormon này và gián tiếp giúp kích thích tuyến tụy tiết ra insulin.

Thuốc trị ĐTĐ2 mới ức chế SGLT2 có nguy cơ như thế nào?

Mới đây các nhà khoa học đã phát minh ra một nhóm thuốc trị ĐTĐ2 mới là nhóm ức chế chất chuyển vận liên kết natri-glucose 2 (sodium-glucose linked tranporter 2, viết tắt SGLT2). Cơ chế tác dụng nhóm thuốc này hoàn toàn khác với các nhóm thuốc đã kể.

Gọi là nhóm ức chế SGLT2 bởi vì thuốc này hoàn toàn không tác động đến insulin mà thực chất tác động đến các protein làm nhiệm vụ chuyển vận glucose và natri qua màng của tế bào của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có SGLT2. SGLT2 giúp chuyển vận glucose xuyên qua tiểu quản thận để glucose từ nước tiểu ở thận tái hấp thu vào máu (người bình thường đi tiểu không đái ra đường glucose là nhờ hoạt động của SGLT2, nếu đi tiểu thấy kiến bu là bị đái tháo đường nặng quá rồi). Thuốc ức chế SGLT2 là thuốc ngăn sự tái hấp thu glucose ở thận làm glucose bài tiết trong nước tiểu nhiều hơn để loại ra ngoài. Tức là, thuốc làm đi tiểu thải glucose ra ngoài, giúp hạ glucose trong máu xuống giúp trị bệnh ĐTĐ2 mà không cần đến insulin.

Thuốc ức chế SGLT2 được dùng đơn độc kết hợp chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể lực hoặc kết hợp với thuốc trị ĐTĐ2 khác để trị ĐTĐ2. Các nghiên cứu (EMPA-REG, CANVAS) ghi nhận thuốc ức chế SGLT2 giúp giảm các biến cố và tử vong do tim mạch, giảm các biến cố thận mà các thuốc nhóm khác không có được (có lẽ nhờ cơ chế tác dụng không liên quan đến insulin).

Tác dụng phụ thường gặp đã được ghi nhận của thuốc ức chế SGLT2 là gây nhiễm trùng tiết niệu, đặc biệt gây nhiễm nấm ở cơ quan sinh dục.

Mới đây nhất, FDA Hoa Kỳ cảnh báo một số trường hợp nhiễm khuẩn vùng sinh dục hiếm gặp nhưng nghiêm trọng đã được báo cáo liên quan đến sử dụng thuốc ức chế SGLT2. Tình trạng này được gọi là viêm mô hoại tử vùng đáy chậu (hoại tử nghiêm trọng ở khu vực bao quanh bộ phận sinh dục) hay hoại tử Fournier (Fourniers gangrene). FDA đang yêu cầu bổ sung cảnh báo về nguy cơ trên vào thông tin kê đơn của tất cả các thuốc ức chế SGLT2 và Hướng dẫn dành cho bệnh nhân. Trung tâm Quốc gia Cảnh giác Dược và An toàn thuốc ở nước ta đã cảnh báo vấn đề này.

Nên làm gì?

Khi đọc trên báo chí thông tin về nguy cơ gây tác dụng có hại (ADR) của một thuốc đó là thông tin để tham khảo và cảnh giác chứ người đang dùng thuốc hoàn toàn không nên quá lo lắng tìm cách ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị đã chỉ định dùng.

Nguy cơ bị hoại tử Fournier chỉ xảy ra cho người dùng nhóm thuốc ức chế SGLT2 chứ dùng thuốc nhóm khác thì không bị. Những người đang dùng thuốc trị ĐTĐ2 khác cũng cần lưu ý, khi đang dùng thuốc nếu bị phản ứng bất thường (có thể bị ADR) nên đi tái khám báo cho bác sĩ biết để bác sĩ cho hướng xử trí.

Người đang dùng thuốc trị ĐTĐ2 thuộc nhóm ức chế SGLT2 nên nhờ hỗ trợ y tế ngay (như tái khám ở bác sĩ đang trị bệnh mình) nếu xuất hiện một trong các triệu chứng như đau, đỏ, sưng bộ phận sinh dục hoặc khu vực từ bộ phận sinh dục hoặc đến trực tràng và có nhiệt độ cao hơn 38oC.


PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn