Khớp gối là một khớp rất quan trọng đối với cơ thể con người và nó chịu tác động của một lực rất mạnh của toàn bộ trọng lực cơ thể. Người cao tuổi (NCT) rất dễ mắc các bệnh về khớp gối, trong đó có cẩn cẩn thận để tránh mắc bệnh tràn dịch khớp gối…
Nguyên nhân tràn dịch khớp gối
Nguyên nhân dẫn đến tràn dịch khớp gối thường gặp là do chấn thương khớp gối với nhiều loại khác nhau như: tai nạn giao thông, tai nạn trong cuộc sống hàng ngày như vấp ngã cầu thang, vấp ngã do chân yếu, đi lại khó khăn vướng phải các vật dụng sắp xếp không gọn gàng, ngã do trèo thang hoặc trèo lên ghế để chăm sóc cây cảnh.
Khớp gối bị tràn dịch sẽ sưng to |
Tai nạn gây chấn thương khớp gối có thể gây nên rách, đứt giây chằng khớp gối, gãy xương hoặc nứt sụn khớp làm tràn dịch khớp gối ra ngoài.
Ngoài ra, tràn dịch khớp gối ở NCT còn có thể do một số bệnh mạn tính kéo dài ở khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, nhiễm khuẩn với các thể khác nhau. Các bệnh về xương khớp gặp không ít ở NCT, vì vậy một trong những hậu quả xấu của các bệnh về khớp gối ở NCT là tràn dịch khớp gối.
Tràn dịch khớp gối có thể do nhiễm khuẩn (ví dụ có thể do vi khuẩn lao, vi khuẩn Mycoplasma…), virút và hiếm hơn là vi nấm. Tràn dịch khớp gối cũng có thể do thể trạng (bệnh tự miễn) hoặc do di truyền.
Trong các trường hợp NCT bị tràn dịch khớp gối, đối tượng thừa cân, béo phì cũng dễ gặp nhiều hơn vì làm tăng nguy cơ chấn thương khớp gối bởi sức nặng quá mức của cơ thể đè lên 2 khớp gối gây tổn thương khớp gối và có thể gây tràn dịch khớp gối nếu như dịch của khớp gối nhiều lên.
Biểu hiện của tràn dịch khớp gối
Triệu chứng đau bao giờ cũng có bởi vì tràn dịch khớp gối là hậu quả của nhiều nguyên nhân gây tổn thương khớp gối. Nếu NCT thấy khớp gối sưng to hơn bình thường hoặc đối chiếu với khớp gối đối diện thấy có kích thước lớn hơn kèm theo đau nhức đột ngột thì có thể nghĩ đến tràn dịch khớp gối. Khớp gối sưng nề, đau và làm hạn chế vận động là những dấu hiệu đặc trưng của tràn dịch khớp gối. Nhiều NCT bị tràn dịch khớp gối gây đau đến mức đi lại rất khó khăn.
Ở đây cũng cần phân biệt với một số bệnh của khớp gối như thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, gút cấp tính…
Trong một số trường hợp, tràn dịch khớp gối do nhiễm khuẩn có thể có sốt. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng, tràn dịch khớp gối ở NCT có thể đưa đến một số biến chứng: dính khớp, xơ cứng khớp gây nên hiện tượng hạn chế vận động.
Khi phát hiện bị tràn dịch khớp gối thì cần được bác sĩ chuyên khoa xương khớp trực tiếp điều trị. Nếu chọc hút không đúng kỹ thuật, không đảm bảo tuyệt đối vô trùng, rất có nguy cơ làm nhiễm trùng dịch khớp gây hậu quả xấu không thể lường trước được như hủy hoại khớp, nhiễm trùng huyết.
Ngày nay, việc chẩn đoán tràn dịch khớp có nhiều thuận lợi hơn nhờ vào sự tiến bộ của khoa học y học. Ngoài các việc chụp X-quang, xét nghiệm máu, chọc hút dịch khớp để chẩn đoán tế bào thì siêu âm khớp, chụp cộng hưởng từ cũng đóng góp một phần đáng kể trong việc chẩn đoán xác định tràn dịch khớp gối. Nếu nghi ngờ nguyên nhân tràn dịch khớp gối do nhiễm khuẩn, việc chẩn đoán cũng có thể tiến hành xác định căn nguyên vi sinh vật (ở các bệnh viện có khoa xét nghiệm vi sinh đủ điều kiện về trang bị máy móc cũng như sinh phẩm và trình độ kỹ thuật). Ví dụ nghi do vi khuẩn lao hay vi khuẩn mycoplasma hay vi khuẩn lậu… thì người ta làm phản ứng sinh học phân tử khuếch đại gen (PCR: Polymerase Chain Reaction). Đây là một loại phản ứng rất hiệu nghiệm vì có độ nhạy và độ chính xác rất cao.
Đề phòng tràn dịch khớp gối
Bệnh xương khớp là những bệnh gặp không ít ở NCT, đặc biệt là bệnh thoái hóa xương khớp. Đối với khớp gối, NCT hay gặp phải bệnh thoái hóa, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút cũng như tràn dịch khớp gối (tất nhiên các bệnh về khớp gối đều có thể làm tràn dịch khớp gối). Vì vậy đối với NCT, mỗi khi có hiện tượng đau khớp gối là cần đi khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa xương, khớp. NCT cũng rất cần đi khám bệnh theo định kỳ và cần điều trị bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ.
NCT cũng có thể gặp một số khó khăn trong việc đi khám bệnh định kỳ do sức yếu, đi lại khó khăn, đặc biệt là những trường hợp neo đơn, không nơi nương tựa, xa các cơ sở y tế, nhất là các chuyên khoa khớp. Vì vậy, NCT cần nương tựa vào bà con lối xóm, các đoàn thể như hội người cao tuổi, phụ nữ, cựu chiến binh để được giúp đỡ mỗi khi thấy cần thiết. Nếu bị tràn dịch khớp gối mà để quá muộn hoặc điều trị không đúng hoặc lạm dụng hút dịch khớp thì có thể có những hậu quá xấu xảy ra.
Cần lưu ý là phải hút dịch khớp thì phải được bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định và thực hiện tại các trung tâm khớp hoặc các khoa khớp để đề phòng nhiễm khuẩn dịch khớp do việc chọc hút không đảm bảo vô khuẩn. NCT cần tránh việc tự mua thuốc để điều trị theo sự mách bảo của bạn bè, người thân hoặc dùng đơn thuốc của người bệnh khác cũng bị bệnh về xương khớp. Hàng ngày nên vận động cơ thể để các khớp xương được cử động làm cho máu lưu thông tốt hơn đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể được dễ dàng, thuận lợi, trong đó có các khớp xương.
Người ta cũng khuyên nên xoa bóp các cơ đùi, bắp chân bằng tay hay bằng các dụng cụ hỗ trợ để làm tăng cường sự rắn chắc của gân, cơ bắp để khớp gối hoạt động tốt hơn. Những trường hợp béo phì, thừa cân nên tăng cường vận động cơ thể, chọn chế độ ăn, uống cho hợp lý nhằm làm giảm trọng lực lên hai đầu gối.
PGS.TS.TTƯT. BÙI KHẮC HẬU