Nguy cơ tiềm ẩn từ nấm không nguồn gốc

19-03-2014 22:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước tình trạng ngộ độc nấm xảy ra liên tiếp do sử dụng nấm không nguồn gốc khiến nhiều bệnh nhân đã phải vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai

Trước tình trạng ngộ độc nấm xảy ra liên tiếp do sử dụng nấm không nguồn gốc khiến nhiều bệnh nhân đã phải vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, trong đó có 2 người đã tử vong, còn lại 12 người đang trong tình trạng nguy kịch và nguy cơ tử vong cao, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã khảo sát một loạt các chợ trên địa bàn Hà Nội, thấy có rất nhiều loại nấm được bày bán không có nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ...

Tràn lan nấm không nguồn gốc

Theo khảo sát của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống tại các cơ sở kinh doanh ở các chợ như: chợ Hôm, chợ Đồng Tâm, chợ Thành Công... thấy các cơ sở kinh doanh nấm vẫn hoạt động rất tốt mặc dù có rất nhiều loại nấm không có nhãn mác sản phẩm. Tại ki-ốt B6 chợ Thành Công phát hiện một số loại nấm như: nấm sò ngô, sò tím, nấm rơm, nấm sò trắng không có xuất xứ, nguồn gốc. Khi hỏi nếu người ăn bị ngộ độc do ăn các loại nấm không có nhãn mác, xuất xứ như trong thời gian qua, ông Ngô Bá Vinh - chủ cửa hàng cho phóng viên biết: Do các loại nấm này đều sản xuất ở trong nước nên không có nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc, tuy nhiên, các loại nấm trên đều được các cơ sở trồng tại Nam Định cung cấp và được Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) hướng dẫn kỹ thuật, ông Vinh cam kết cho rằng 100% các loại nấm được trồng tại Việt Nam đều đảm bảo chất lượng về an toàn thực phẩm, rất khó để bị ngộ độc do ăn nấm. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì bên cạnh những loại nấm có nhãn mác ghi xuất xứ, nguồn gốc thì cũng có nhiều loại nấm không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Tại chợ Kim Liên, Láng Hạ, thậm chí nhiều cửa hàng bán nhỏ lẻ bày hàng loạt các loại nấm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Khi được hỏi có sợ nấm không đảm bảo chất lượng, chủ các cửa hàng đều khẳng định là nấm của mình bán an toàn?!

Nấm không nguồn gốc đang được bày bán tại chợ Thành Công. Ảnh: Trần Lâm

Nấm không nguồn gốc đang được bày bán tại chợ Thành Công. Ảnh: Trần Lâm

Sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát

Trao đổi với ông Lê Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết: Vừa qua, Chi cục ATVSTP Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản Hà Nội tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm nấm các loại, hậu kiểm các cơ sở sản xuất nấm có công bố phù hợp quy định ATTP của 12 cơ sở, trong đó: 2 cơ sở sản xuất - đóng gói, 2 cơ sở kinh doanh nấm, 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng nấm. Theo đó, qua quá trình kiểm tra và kiểm nghiệm nấm có 2 loại là nấm nhập khẩu và nấm sản xuất trong nước, các cơ sở đều xuất trình giấy tờ khai hải quan, giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ sở nhập khẩu. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã lấy mẫu nấm tươi và khô để gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, kết quả cho thấy 4/4 mẫu nấm tươi gồm: nấm nâu tây, nấm hào hương, nấm bào ngư trắng, nấm kim châm không phát hiện chất bảo quản (axit sorbic, axit benzoic), SO2, axit gibberellic; cả 5/5 mẫu nấm có hàm lượng SO2 trong giới hạn cho phép căn cứ theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm”.

Về thông tin phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống cung cấp, ông Lê Đức Thọ cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát và phát hiện sẽ tiến hành xử lý. Cũng theo ông Thọ, để đảm bảo sức khỏe người dân và ATVSTP, khuyến cáo nên mua ở những cơ sở có địa chỉ rõ ràng, trên sản phẩm phải có đầy đủ thông tin cần thiết như: nơi sản xuất ra sản phẩm đó, tên công ty, tên sản phẩm, các thành phần chỉ tiêu chất lượng chính, ngày thu hái (ngày sản xuất).

Khuyến cáo của các chuyên gia

Liên quan đến các trường hợp ngộ độc nấm đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, tất cả các trường hợp ngộ độc nấm khi nhập viện đều trong tình trạng hôn mê, suy gan cấp, thậm chí có người gan đã bị phá hủy và cùng do một loại nấm độc gây nên. Loại nấm này có tán màu trắng, cuống có bầu gần giống nấm thường, ăn ngọt nhưng rất độc. Ngộ độc thường được bộc lộ khoảng 12 giờ sau khi ăn và rất khó để xử lý. Các triệu chứng biểu hiện là: nôn mửa, tiêu chảy rất nhiều, nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời để bù dịch thì có thể sẽ tử vong vì mất nước do tiêu chảy. Tiếp đó, sau 3 - 4 ngày thì gan sẽ bị phá hủy, tăng men gan dẫn đến rất nhiều biến chứng như: hôn mê, xuất huyết nội tạng, tụt huyết áp... gây tử vong. Ngay sau khi các vụ ngộ độc nấm xảy ra, các mẫu nấm đã được gửi về Trung tâm Chống độc - BV Mạch Mai và Trung tâm Phòng chống độc, Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng để giám định, các bác sĩ đã kết luận: Đây chính là loại nấm độc trắng hình nón có tên khoa học là Amanita rimosa.

Tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh ngộ độc nấm

Ngày 19/3, TS. Lâm Ðức Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm - Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, trước thực trạng liên tiếp trong các ngày qua đã xảy ra 14 ca ngộ độc nấm rừng tại Thái Nguyên, Cục ATTP đã có công điện khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh phía Bắc yêu cầu khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp tăng cường phòng chống ngộ độc do nấm độc. Trong đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc do nấm độc đến tận hộ gia đình trên địa bàn bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc; truyền thông qua các Trưởng tộc, Trưởng bản để đến những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng; kết hợp tuyên truyền cho học sinh các trường học để mọi người dân tuyệt đối không thu hái, chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại; Ðồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chú ý sử dụng than hoạt tính và thuốc nhuận tràng cho bệnh nhân và cả ca bệnh nghi ngờ...

T.Bình

 

Lâm Trọng

 

 


Ý kiến của bạn