Nguy cơ tiềm ẩn sốt xuất huyết tại các công trình xây dựng ở TP.HCM

02-05-2022 07:24 | Y tế
google news

Tại các công trình xây dựng ở TP.HCM nơi tồn tại những vật dụng có thể đọng nước là môi trường ưu thích của muỗi gây sốt xuất huyết phát triển. Ngành chức năng của TP.HCM có những cảnh báo cấp thiết nhưng để xử lý không phải là việc dễ dàng.

"Rơi đúng" chu kỳ sốt xuất huyết, phân biệt với sốt do COVID ở trẻ thế nào?'Rơi đúng' chu kỳ sốt xuất huyết, phân biệt với sốt do COVID ở trẻ thế nào?

SKĐS - ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho biết, bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 khi khởi phát thường có những biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn, do đó phụ huynh cần hết sức lưu ý theo dõi sát sao, tránh để trẻ rơi vào tình huống nguy kịch.

“Đau đầu” với ổ lăng quăng ở công trình xây dựng

Trong tháng 4/2022, tại Khu chung cư Green Town trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM đã có trường hợp tử vong do bị sốt xuất huyết. Thế nhưng, ngay bên cạnh khu dân cư này, một block nhà tiếp tục được xây dựng đang ngổn ngang vật liệu xây dựng và rác thải rải rác, nhất là các vật dụng như chậu, thùng sơn để trống có thể đọng nước, là nơi cho muỗi đẻ trứng. Đồng thời, móng tại công trình có chứa nước trong khi những ngày qua, TP.HCM liên tục có nhiều cơn mưa.

Nguy cơ tiềm ẩn sốt xuất huyết tại các công trình xây dựng ở TP.HCM - Ảnh 2.

Rác thải sinh hoạt, thùng nhựa có thể chứa nước, sản sinh lăng quăng.

Trong buổi kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố ngày 29/4, đoàn đánh giá đây là điểm nguy cơ làm phát sinh lăng quăng và có thể gây bệnh sốt xuất huyết Dengue cho những công nhân làm việc cũng như người dân sinh sống xung quanh khu vực. Đoàn kiểm tra đề nghị chủ công trình khẩn trương phối hợp ngành y tế diệt lăng quăng và xử lý khu vực đọng nước.

Giải thích “cái khó” của mình, anh Lê Trọng Hoàng, đại diện nhà thầu phụ đang thi công dự án cho biết, đơn vị chỉ thi công 1 phần, không có chức năng quyền hạn ở những khu vực khác, nên đối với móng công trình tụ nước và những yêu cầu của ngành chức năng, anh chỉ có thể báo cho chủ đầu tư: "Khoảng một tháng trở lại đây thì mưa rất là nhiều, nếu mưa lâu dài và đọng nước thì chúng tôi sẽ thông báo cho chủ đầu tư để phòng chống hoặc là bơm hút cho khô sạch".

Nguy cơ tiềm ẩn sốt xuất huyết tại các công trình xây dựng ở TP.HCM - Ảnh 3.

Móng công trình xây dựng nhiều nước là địa điểm nhiều lăng quăng.

Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân có nhiều bãi đất trống, là một trong 2 phường trong quận có khu công nghiệp lớn, mật độ công nhân sống đông đúc, cư ngụ trong các khu trọ chật hẹp. Địa phương có 5 ổ dịch, giảm 50% so với cùng kỳ và đang quản lý 119 điểm nguy cơ, được giám sát lăng quăng hàng tháng.

Bác sĩ Vũ Thị Thúy Hiền, Trưởng Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B cho biết, nhân viên y tế của trạm rất cực nhọc với các công trình xây dựng để kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các ổ lăng quăng. Nhân viên y tế đến rất nhiều lần, lập biên bản vi phạm trong lĩnh vực y tế: “Điểm này là từ khi có ca bệnh sốt xuất huyết ở Block B4 thì đã kiểm tra từ 4-5 lần rồi nhưng 2 lần đầu không vào được, cũng không có ai ký. UBND phường đã cử công an xuống hỗ trợ".

Nguy cơ bùng dịch, ca nặng tăng cao

Trong tháng 4, quận Bình Tân có tổng cộng 1372 điểm nguy cơ như: các khu đất trống, các công trình xây dựng, hệ thống cống rãnh tại hơn 100 trường học, các hộ chăn nuôi gà, bình bông tại khu vực nghĩa trang, bãi xe và các cơ sở bán sắt thép trên địa bàn. Tại những điểm nguy cơ này, quận đã tiến hành xử lý và kiểm tra giám sát thường xuyên. Tính từ đầu năm đến nay, quận có tổng số 663 ca mắc sốt xuất huyết nhưng tỉ lệ bệnh nặng chiếm 1,36%, cao gấp 2 lần những năm trước. Bình Tân là địa phương có số ca mắc tuyệt đối cao nhất thành phố, tỉ suất mắc trên 100.000 dân cao thứ 2, chỉ sau huyện Bình Chánh.

Thế nhưng, theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung, từ đầu năm đến nay, quận tập trung cho công tác tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở vi phạm, chưa đặt nặng việc xử phạt: "Qua giai đoạn tuyên truyền, quận sẽ tập trung xử phạt theo Nghị định 117 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Và tập trung vào các điểm có nguy cơ cao, những công ty xí nghiệp chưa chấp hành việc phòng chống dịch. Vừa rồi quận có làm việc với các đơn vị lớn về công tác phòng chống dịch trong khuôn viên cũng như tuyên truyền nhắc nhở cho công nhân".

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, 4 tháng đầu năm, toàn TP có 4.700 ca sốt xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng, chiếm tỉ lệ 2%, cao gấp 4 lần so với tỉ lệ của những năm trước. Dự báo từ một số chuyên gia cho thấy trong năm 2022, sốt xuất huyết có thể diễn tiến xảy ra dịch lớn. Vì vậy, ngành y tế yêu cầu các địa phương phải rốt ráo, tăng cường giám sát sớm các ca bệnh sốt xuất huyết.

Cũng theo bác sĩ Nga, một trong những khó khăn lớn nhất là địa bàn lớn đông dân và rất đa dạng, có những khu đô thị ổn định, những khu đang đô thị hóa và cả nông thôn, do đó có rất nhiều điểm nguy cơ theo các dạng khác nhau, đòi hỏi mỗi quận huyện, mỗi phường xã phải tự đánh giá mức độ nguy cơ của địa phương mình, để từ đó đưa ra những chiến lược kiểm soát phù hợp theo hướng dẫn của thành phố. Đặc biệt, để phát hiện sớm các ca mắc, các phòng khám tư nhân khi phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, cần phải báo cáo về ngay cho trung tâm y tế.

Ngoài ra, còn rất nhiều người dân bị sốt xuất huyết nhưng vẫn ở nhà tự điều trị, UBND địa phương phải truyền thông, hệ thống khu phố, tổ dân phố nắm thông tin, tuyên truyền để người dân khi có tình trạng sốt là báo cho trạm y tế phường nhanh chóng xuống điều tra dịch tễ, xác định và tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn ổ dịch.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC nói: “Đối với phòng chống sốt xuất huyết thì vai trò của người dân rất lớn, vì ổ lăng quăng ở ngay trong nhà mình. Ngành y tế khuyến cáo tất cả những người lớn hay trẻ em nếu phát hiện bị sốt cao đột ngột thì cần phải đi đến khám ngay ở các cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi và hướng dẫn xử trí phù hợp”.

Theo các chuyên gia y tế thì sốt xuất huyết Dengue vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể tử vong. Trong thời điểm hiện nay, khi số ca sốt xuất huyết Dengue nặng đang tăng cao hơn thì nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue luôn hiện hữu. Người dân bị sốt xuất huyết cần theo dõi sức khỏe, đặc biệt là ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh để kịp thời điều trị, tránh diễn tiến nặng.


Theo Kim Dung/VOV - TP.HCM
Ý kiến của bạn