Nguy cơ tăng huyết áp trong đại dịch COVID-19

10-12-2021 17:20 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS-Theo kết quả một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí The journal Circulation, những người trưởng thành ở Mỹ, đặc biệt là phụ nữ, có nguy cơ cao bị tăng huyết áp trong đại dịch COVID-19.

Tình trạng tăng huyết áp xuất hiện trong đại dịch COVID-19

Tiến sĩ Luke Laffin, giám đốc Trung tâm rối loạn huyết áp thuộc Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ) và cộng sự đã tiến hành đánh giá dữ liệu của 464.585 người lao động và đối tác của họ từ tất cả 50 tiểu bang và quận Columbia (Mỹ) đã được đo huyết áp trong ba năm 2018, 2019 và 2020.

Kết quả cho thấy các chỉ số huyết áp tăng cao hơn đáng kể trong đợt đại dịch từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2020 so với năm 2019, với mức tăng trung bình từ 1,1 mmHg đến 2,5 mmHg đối với huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) và 0,14 mmHg đến 0,53 mmHg đối với huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).

Trong khi huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương tăng ở cả nam giới và phụ nữ và ở tất cả các nhóm tuổi, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy có sự gia tăng nhiều hơn ở phụ nữ.

Tiến sĩ Laffin cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng rõ rệt hơn về huyết áp ở phụ nữ, nhưng hiện chưa rõ lý do vì sao. Tuy nhiên, dữ liệu các nghiên cứu đã cho thấy đại dịch có xu hướng tạo ra nhiều gánh nặng hơn đối với phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đi làm, và đây là một chương trình chăm sóc sức khỏe do nhà tuyển dụng tài trợ".

Nguy cơ tăng huyết áp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Người bệnh tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và khám định kỳ

Nghiên cứu cũng cho thấy tăng cân không phải là nguyên nhân rõ ràng khiến huyết áp tăng trong thời kỳ đại dịch, mặc dù việc lựa chọn chế độ ăn uống không hợp lý trong đại dịch có thể đóng một vai trò nhất định trong số các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.

Theo nhóm nghiên cứu: "Chế độ ăn uống quá nhiều natri hoặc uống nhiều rượu hơn đã được ghi nhận rõ ràng trong thời kỳ đại dịch và điều này có thể dẫn tới nguy cơ tăng huyết áp. Tuy nhiên, huyết áp cũng còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như giấc ngủ, sử dụng các thuốc điều trị bệnh,…".

Các nhà khoa học cho rằng: "Đại dịch COVID-19 đang diễn ra có liên quan nhiều đến tình trạng stress mạn tính và tình trạng này có thể sẽ khiến nhiều người thay đổi trong lối sống. Khi đó, nhiều người chọn đồ ăn nhanh và bia, thay vì chọn món salad lành mạnh, hoặc họ có thể ngủ ít hơn, ít tập thể dục hơn và quên uống thuốc,…. Đây có thể là lý do khiến stress mạn tính liên quan đến tăng huyết áp".

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, là 2 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người trưởng thành Mỹ. Các nhà nghiên cứu cho rằng: "Sự gia tăng huyết áp tâm thu ở những người trưởng thành Mỹ trong nghiên cứu này có thể báo hiệu sự gia tăng sắp tới về tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch".

Giải pháp phòng ngừa và kiểm soát tăng huyết áp

Nguy cơ tăng huyết áp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Tập thể dục thường xuyên để phòng bệnh tăng huyết áp

Theo các nhà khoa học, nhìn chung, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các giải pháp y tế công cộng như tiêm chủng và khẩu trang rõ ràng là quan trọng, nhưng điều rất đáng quan tâm đó là không nên bỏ qua các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch và các tình trạng rối loạn sức khỏe mạn tính. Do vậy, cần đảm bảo thực hiện một lối sống lành mạnh, khám kiểm tra sức khỏe thường xuyên, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đặc biệt khi bị bệnh tăng huyết áp.

Một nghiên cứu toàn cầu mới đây được công bố trên tạp chí The Lancet cũng đã cho thấy, ngay cả khi chưa chịu áp lực của đại dịch COVID-19, số người từ 30 đến 79 tuổi bị cao huyết áp đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990 đến năm 2019, và hơn một nửa trong số họ không được điều trị.

Theo Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), 10 biện pháp giúp kiểm soát huyết áp cao, bao gồm:

1. Giảm cân.

2. Tập thể dục thường xuyên.

3. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.

4. Giảm lượng natri trong chế độ ăn uống.

5. Hạn chế uống rượu.

6. Bỏ thuốc lá.

7. Giảm dùng caffeine.

8. Giảm stress.

9. Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và khám định kỳ.

10. Có người thân yêu trợ giúp khi cần.

Phát hiện mới về biến chứng của bệnh tăng huyết áp Phát hiện mới về biến chứng của bệnh tăng huyết áp

SKĐS- Tăng huyết áp có nguy cơ gây biến chứng với nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể, đặc biệt gây đột quỵ, đột tử. Đặc biệt, gần đây, một nhóm nghiên cứu Thụy Điển phát hiện tăng huyết áp có thể làm tăng bệnh Alzheimer ở nam giới có huyết áp tăng cao vào ban đêm.

Xem thêm video được quan tâm:

Kéo dài tuổi thọ, trẻ lâu nhờ lối sống lành mạnh (3)




BS. Thanh Liêm
Ý kiến của bạn