Hà Nội

Nguy cơ tăng đường huyết trong ngày Tết

11-02-2016 09:04 | Đời sống
google news

SKĐS - Người mắc tiểu đường mỗi bữa chính không dùng quá một bát cơm để tránh tăng đường huyết sau khi ăn.

Theo ThS. Nguyễn Kiên Cường, Phó Chủ nhiệm khoa Y học Dự phòng, Viện Y học dự phòng Quân đội, trong những ngày Tết, với các bệnh mạn tính có liên quan đến chế độ ăn uống, càng cần có thuốc để uống một cách đều đặn, tuyệt đối không được bỏ hoặc dùng không thường xuyên do thiếu thuốc. Ví dụ, bệnh đái tháo đường, trong những ngày Tết, do chế độ ăn uống không được kiểm soát nghiêm túc có thể làm cho đường huyết tăng cao và nguy cơ gây hôn mê rất có thể xảy ra.

Những ngày Tết thường làm đảo lộn nhịp sống thường ngày, ngoài ăn uống không điều độ, ăn nhiều bữa, không kiêng khem được, nhất là bánh ngọt, nước ngọt, rượu, bia, cà phê, thuốc lá, lại quên uống thuốc hoặc hết thuốc càng làm cho đường huyết tăng cao đột biến.

ThS. Nguyễn Kiên Cường cho biết:

Chế độ ăn cho người tiểu đường vẫn cần đảm bảo đủ calo cho các hoạt động hàng ngày, tùy theo trọng lượng cơ thể và loại hình lao động mà mức tiêu thụ calo là khác nhau với từng người. Năng lượng được tạo thành từ Gluxit, Protit, Lipit có trong thức ăn cung cấp cho cơ thể. Đối với người mắc bệnh đái tháo đường thì cần hạn chế lượng Gluxit (giảm lượng đường đưa vào cơ thể), do vậy phải tăng lượng protit và lipit để bù cho phần năng lượng thiếu hụt do giảm cung cấp gluxit. Thông thường, lượng thức ăn là gluxit cho người đái tháo đường cần giảm đi 50% so với người bình thường. Thực phẩm cung cấp nhiều gluxit bao gồm: gạo, bánh mỳ, ngô, khoai tây, khoai sọ, ngũ cốc, đậu, trái cây có vị ngọt như nho, xoài, na, nhãn, vải...

Người bị bệnh tiểu đường cần lưu ý ăn làm nhiều bữa trong ngày, tốt nhất là nên ăn 5 - 6 bữa trong đó có 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ, mỗi bữa chính không dùng quá một bát cơm để tránh tăng đường huyết sau khi ăn, cách chế biến thức ăn ưu tiên là thức ăn luộc, nướng; hạn chế thức ăn chiên, rán.

Các thực phẩm không nên sử dụng tuyệt đối là đường, mía, kẹo ngọt, sô cô la, các loại sữa chế biến, trái cây đóng hộp, nước ép hoa quả đóng hộp, mứt, thạch...

Các thực phẩm nên hạn chế sử dụng là cơm, mì, bánh phở, bún, bánh mỳ, các loại khoai, bánh quy, trái cây có vị ngọt, bơ, thịt lợn xông khói, sườn rán,thịt nhiều chất béo... Không hạn chế đối với tôm, thịt nạc, cá, rau xanh, các loại đậu. Các thực phẩm là rau xanh, đậu, trái cây (lê, táo) có thể cung cấp cho cơ thể nhiều chất xơ và các loại đường chậm (sau khi vào cơ thể phải trải qua quá trình tiêu hóa mới trở thành đường hấp thu vào cơ thể), vì vậy ăn các thực phẩm này giúp hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn. Bên cạnh đó, chất xơ giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn.

Về vấn đề sử dụng đường ăn kiêng, theo cơ quan quản lý Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), có 5 loại chất tạo ngọt nhân tạo có thể được sử dụng, gồm có các loai sau: Aspartame, saccharin, sucralose, neotame và acesulfame potassium. Những chất tạo ngọt nhân tạo nói trên có thể được sử dụng để thay thế đường, nhằm đánh lừa vị giác, làm giảm cảm giác thèm ăn đường hay những chất ngọt ở những người phải kiêng đường như người bệnh đái tháo đường, người muốn thực hiện chế độ ăn giảm béo. Ngoại trừ aspartame, những chất tạo ngọt nhân tạo nói trên không bị bẻ gẫy, không chuyển hóa và không hấp thu vào cơ thể, vì vậy không sinh năng lượng.

Việc sử dụng các sản phẩm sữa cho người bệnh đái tháo đường cần hết sức lưu ý, sữa dành cho người đái tháo đường không phải là sản phẩm bổ sung mà là sản phẩm dùng thay thế cho các bữa ăn chính hoặc bữa ăn phụ cho người bệnh (trong trường hợp mệt mỏi không ăn được, hoặc trong trường hợp không bố trí được thực phẩm cho bữa chính hoặc bữa phụ thì khi đó người bệnh mới dùng sữa để thay thế. Vì vậy việc sử dụng các sản phẩm sữa thay thế dành cho người đái tháo đường cần thận trọng, nên theo dõi chỉ số đường huyết để có đánh giá và cách sử dụng phù hợp.


Ý kiến của bạn