Hà Nội

Nguy cơ tai nạn từ xe tự chế

11-09-2015 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Không chỉ có xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc nổi tiếng là làng thu mua xe máy, ôtô cũ để làm sắt vụn...

Không chỉ có xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc nổi tiếng là làng thu mua xe máy, ôtô cũ để làm sắt vụn, trên cả nước hiện nay còn có nhiều địa phương làm nghề này bởi đây được coi là một nghề siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều bộ phận của xe cũ đã được tháo rời, tái sử dụng vào những chiếc xe cần sửa chữa, thậm chí là thiết kế thành xe tự chế đang là nguy cơ đe dọa đến tính mạng người sử dụng khi tham gia giao thông.

Xe phế liệu được tái chế thành xe mới chỉ trong 2 - 3 ngày.

Trái với quy định của Nhà nước

Nhiều năm trở lại đây, công việc tháo dỡ xe ở làng Tề Lỗ đã luôn đi kèm với công nghệ dựng xe. Những xe vẫn có thể sử dụng sẽ được các chủ lò tân trang lại và thay thế linh kiện. Còn những chiếc xe quá cũ nát thì các chủ xưởng sẽ tận dụng hết những linh kiện có thể lắp ghép cho xe khác, còn những bộ phận khác sẽ bán sắt vụn. Ghi nhận tại một lò “mổ” xe tại Tề Lỗ, xác xe máy xếp chồng chất, bất cứ bộ phận nào trong xe cũ cũng được tận dụng như: khung xe, vành xe, giảm xóc, hộp số giá chỉ dao động từ vài chục đến hơn trăm ngàn đồng/món đồ. Theo tiết lộ của nhiều chủ lò “mổ” xe ở đây, những xe vẫn có thể sử dụng sẽ được các chủ lò tân trang lại và thay thế linh kiện. Theo đó, ôtô, xe máy được sơn sửa, dựng lại trông mới toanh nhưng sau khi bán ra cho khách, sử dụng một thời gian rất nhanh “tàn” vì hầu hết bên trong là phụ tùng, động cơ cũ.

Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, việc tận dụng những cụm chi tiết để cải tạo xe là hoàn toàn trái với quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Ông Ngô Hồng Hệ cho biết thêm: Theo quy định tại Thông tư 85/TT-BGTVT của Bộ GTVT trong quy định cải tạo phương tiện thì trong công tác cải tạo phương tiện chỉ cho phép sử dụng động cơ đã qua sử dụng nhưng thời gian sử dụng không được quá 15 năm. Đối với các cụm chi tiết khác, khi cải tạo thay thế phải sử dụng chi tiết mới. Nghĩa là Bộ GTVT không cho phép sử dụng các cụm chi tiết đã qua sử dụng.

Nguy cơ tai nạn luôn rình rập

Trên thực tế, ôtô, xe máy cũ sau khi thu mua từ khắp nơi đưa về sẽ được các “lò mổ” tháo dỡ và tận dụng từ A tới Z. Đối với những xe vẫn có thể sử dụng được, các chủ lò sẽ tân trang “mông má”, thay thế linh kiện bằng đủ các ngón nghề để bán ra thị trường. Với những thợ mổ xe lành nghề, các công đoạn “luộc” xe, tráo đồ, hô biến những “con” xe cũ nát, kể cả những xe giao dịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trở thành “long lanh” chẳng kém gì xe mới. Xe máy, ôtô không rõ nguồn gốc được công khai chế lắp bằng phương pháp thủ công từ động cơ phế thải ở các làng nghề mổ xác xe đang tiềm ẩn nhiều mối hiểm họa. Nhất là nguyên nhân gây cháy xe và tai nạn khi đang lưu thông. Đi lại trên các tuyến phố, người tham gia giao thông dễ dàng thấy nhan nhản những xe tự chế lưu thông, đậu đỗ trên đường. Hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu người tham gia giao thông không chủ động tránh những loại phương tiện này. Thực tế những vụ tai nạn và ùn tắc giao thông ở Hà Đông, Hà Nội thời gian qua đã nói lên điều đó.

Theo kết quả công trình nghiên cứu của liên bộ Công an, Khoa học - Công nghệ, Công Thương và GTVT công bố, qua điều tra các vụ cháy xe đã xác định 5 nguyên nhân chính gồm: chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do đốt. Trong tổng số các vụ cháy được điều tra có 30,25% số vụ là do chập điện; 15,1% do sự cố kỹ thuật; 9,8% do sơ suất; 4,63% do tai nạn giao thông và 4,32% do đốt, còn lại là các vụ cháy chưa rõ nguyên nhân. Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 phụ trách quận Hoàng Mai chia sẻ, là địa bàn cửa ngõ Thủ đô, hàng tháng, đơn vị bắt và xử lý hàng trăm vụ xe tải tự chế. Chúng tôi cứ dẹp ở chỗ này thì ở chỗ khác lại mọc lên, không hiểu sao các loại xe này ở đâu ra. Đa số các xe này lưu thông trên đường đều không có một thứ giấy tờ đăng kiểm cũng như xuất xứ.

Liên quan đến vấn đề niên hạn cho phép để sử dụng phương tiện giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đến tháng 1/2018, tất cả các phương tiện giao thông là môtô, xe máy thải loại hết niên hạn sẽ bị thu hồi và xử lý. Tuy nhiên điều này có thể thấy là không hề đơn giản, bởi ngoài những xe cũ vẫn được tiếp tục sử dụng, thậm chí một số động cơ máy móc cũ nát từ những chiếc xe này vẫn được người dân mổ xẻ và cung cấp ra thị trường. Nhiều hệ lụy đang tiềm ẩn từ đây.

   Thục Viên - Việt Hà

 


Ý kiến của bạn