1. Suy thận do... thuốc cản quang?
Chị Nguyễn T.L. (55 tuổi, Hà Nam) đến Trung tâm thận - Tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai khám do phát hiện suy thận. Chị cho biết, trước đây chị từng bị sỏi thận, đã điều trị khỏi. Tuy nhiên, đợt gần đây chị phải chụp mạch vành nên đã phải tiêm thuốc cản quang. Sau tiêm 2 ngày chị thấy trong người mệt mỏi, buồn nôn, đi tiểu có máu… Lo lắng cho sức khỏe, chị đi khám. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán chị bị suy thận cấp, nguyên nhân có thể do thuốc cản quang.
PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển, Trung tâm thận - Tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đây chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm khám vì phát hiện suy thận sau khi tiêm thuốc cản quang. Bệnh nhân có thể bị sỏi thận trước đó, đái tháo đường…
Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân không được biết chức năng thận của mình trước đó, thậm chí nhiều bệnh nhân được cơ sở y tế cho chụp CT có tiêm thuốc trước khi có kết quả đánh giá chức năng thận.
Do đó, điều này rất khó để biết tình trạng suy thận là do thuốc cản quang hay bệnh nhân đã có suy thận hay tiền sử mắc bệnh thận mạn tính, đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Nhiều bệnh nhân bị suy thận sau khi tiêm thuốc cản quang.
2. Vì sao suy thận do thuốc cản quang?
PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển cho hay, suy thận cấp do thuốc cản quang là tình trạng xuất hiện suy thận cấp hoặc tăng mức độ suy thận sau khi dùng thuốc cản quang. Suy thận cấp do thuốc cản quang có thể xảy ra sau tiêm động mạch hoặc tĩnh mạch thuốc cản quang chứa iod trong các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc can thiệp mạch.
Các triệu chứng suy thận thường gặp: Giảm lượng nước tiêu, phù mắt cá chân, bàn chân, khó thở, đau/nặng ngực, buồn ngủ, mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, sụt cân...
Thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân suy thận cấp do thuốc cản quang chiếm khoảng 12% các trường hợp suy thận cấp tại bệnh viện và chiếm khoảng 6% tỷ lệ tử vong tại bệnh viện.
Tổn thương thận do thuốc cản quang đứng thứ 3 trong các nguyên nhân thường gây tổn thương thận cấp ở những bệnh nhân nội trú, chiếm khoảng 10% số ca tổn thương thận cấp ở bệnh nhân ngoại trú. Điều này khiến thời gian nằm viện kéo dài hơn, làm cho bệnh thận tiến triển nhanh đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối, đồng thời tăng gánh nặng điều trị và tử vong.
Có khoảng 5,5% số ca tổn thương thận do thuốc cản quang ở bệnh nhân suy thận và khoảng 50% ở bệnh nhân có cả suy thận và đái tháo đường.
Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân tổn thương thận do thuốc cản quang có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với nhóm bệnh nhân không có tổn thương thận do thuốc cản quang.
Người cao tuổi trên 70 có nguy cơ cao bị suy thận do thuốc cản quang.
3. Đối tượng có nguy cơ suy thận do thuốc cản quang
Theo PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển, những người có nguy cơ cao suy thận do thuốc cản quang bao gồm:
- Tuổi cao (trên 70 tuổi);
- Xơ gan giai đoạn muộn;
- Hội chứng thận hư không đáp ứng;
- Đa u tủy xương;
- Đái tháo đường, đặc biệt ở những bệnh nhân đã có biến chứng trên thận;
- Bệnh thận mạn tính;
- Suy tim giảm cung lượng;
- Bệnh nhân ghép thận;
- Bệnh nhân thiếu máu, thiếu dịch lòng mạch (nhiễm khuẩn huyết, sử dụng lợi tiểu…);
- Bệnh nhân đang dùng các thuốc có độc với thận (các thuốc nhóm NSAIDs, aminoglycosid, cyclosporin…);
- Bệnh nhân giảm albumin máu (< 35 g/L);
- Bệnh nhân huyết áp thấp.
4. Cách ngăn ngừa bệnh thận do thuốc cản quang
Để tránh mắc bệnh thận do thuốc cản quang, PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển khuyên:
Đối với người bệnh:
Cần nói rõ cho bác sĩ biết bệnh đang có của mình, đang dùng các loại thuốc gì và có chỉ định tiêm thuốc cản quang.
Đối với thầy thuốc:
- Lựa chọn phương pháp và sàng lọc bệnh nhân một cách cẩn thận.
- Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nêu trên đều phải cần được điều chỉnh các yếu tố nguy cơ một cách tối đa trước khi tiến hành chụp.
- Cần phải sử dụng thuốc cản quang liều tối thiểu và phải được kiểm tra creatinin máu trước khi chụp và sau 48 đến 72 giờ sau khi tiêm thuốc cản quang.
Hiện tại, không một biện pháp nào chứng minh có hiệu quả rõ ràng để ngăn ngừa trong những nhóm nguy cơ cao bị suy thận khi dùng thuốc cản quang. Ngoại trừ việc sử dụng dịch truyền và thuốc cản quang áp lực thẩm thấu thấp trong những trường hợp cụ thể.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trào ngược dạ dày - thực quản: Có nên kiêng đồ ăn nhiều chất béo?