Nguy cơ sức khỏe khi thiếu máu thiếu sắt, điều trị thế nào?

30-06-2022 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố trung bình ở máu ngoại vi dưới mức bình thường so với người cùng giới, cùng độ tuổi, và trong cùng môi trường sống. Tình trạng thiếu máu thiếu sắt rất thường gặp, nếu không được điều trị sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Vì sao thiếu sắt lại gây thiếu máu?

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu: Thiếu máu do giảm sinh hồng cầu trong tủy xương, thiếu máu do sự phá hủy hồng cầu quá mức, do bị mất máu. Nhưng thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý thường gặp nhất trong các dạng thiếu máu.

Huyết sắc tố là một loại protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy và dicacbonic, gồm hai thành phần chính là Hem (chứa sắt) và globin. Nồng độ huyết sắc tố bình thường ở nam giới trưởng thành là 135g/l, ở nữ trưởng thành là 120g/l.

Khi lượng sắt dự trữ trong cơ thể bị cạn kiệt sẽ không đủ để tổng hợp huyết sắc tố nên dẫn đến thiếu máu.

Thiếu máu thiếu sắt và những nguy cơ cho sức khỏe, điều trị thế nào? - Ảnh 1.

Thiếu máu thiếu sắt gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe.

Triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt

Ban đầu, thiếu máu thiếu sắt có thể nhẹ, ít triệu chứng và thường không được chú ý. Khi cơ thể bị thiếu sắt nặng dẫn đến thiếu máu nặng mới có các triệu chứng rõ rệt như: Mệt mỏi, yếu, da xanh, thở nông, tim đập nhanh, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngất, bàn tay bàn chân lạnh, dễ cáu gắt, viêm hoặc nhiệt lưỡi, móng tay/chân giòn và dễ gãy, loạn nhịp tim, cảm giác ngứa hoặc kiến bò ở chân, ăn không ngon đặc biệt ở trẻ em.

Các nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt

Bình thường, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 20mg sắt để tạo hồng cầu mới, trong đó 95% được tái sử dụng từ hồng cầu già cỗi bị phá hủy, chỉ 5% (1mg) cơ thể lấy thêm từ nguồn thức ăn hàng ngày. Do vậy nếu cơ thể bị mất máu quá nhiều hoặc không hấp thu đủ sắt đều làm cạn kiệt nguồn sắt dẫn đến thiếu máu.

Các nguyên nhân thường gặp là:

- Mất máu kéo dài do chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, kinh nguyệt nhiều, u xơ tử cung.

- Chảy máu đường tiêu hóa: Loét dạ dày, tá tràng, polyp đại tràng, ung thư ống tiêu hóa, giun móc.. .

- Chế độ ăn thiếu sắt: Ăn kiêng lâu ngày.

- Giảm hấp thu sắt: Sắt được hấp thu từ dạ dày và phần đầu ruột non vì thế các rối loạn đường ống tiêu hóa như cắt dạ dày, ruột; bệnh Crohn hoặc Celiac, đều làm giảm hấp thu sắt.

- Tăng nhu cầu sử dụng sắt: Trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ có thai cần nhiều sắt hơn bình thường để cung cấp sắt cho cả mẹ và bào thai, nếu không được bổ sung thêm sắt sẽ dến đến thiếu sắt, thiếu máu..

Thiếu máu thiếu sắt gây hệ lụy gì?

Thiếu máu thiếu sắt nhẹ thường không gây biến chứng, nhưng tình trạng thiếu máu thiếu sắt nặng có thể gây ra các biến chứng:

- Tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim.

- Phụ nữ mang thai thiếu máu nặng có thể gây đẻ non, trẻ thiếu cân.

- Trẻ sơ sinh và trẻ em bị thiếu máu thiếu sắt nặng có thể bị chậm phát triển. Nếu không được điều trị có thể làm chậm phát triển thể chất và tinh thần. Ngoài ra còn thường đi kèm với nguy cơ bị ngộ độc chì và làm tăng khả năng bị nhiễm trùng.

Điều trị thiếu máu thiếu sắt như thế nào?

Điều trị thiếu máu thiếu sắt tùy thuộc từng giai đoạn sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.

- Giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu, bệnh nhân chỉ cần tăng chế độ ăn giàu sắt và bổ sung thêm viên sắt.

- Giai đoạn thiếu máu mức độ vừa và nhẹ, cần bổ sung các dạng chế phẩm sắt đường uống chế phẩm dung dịch hoặc viên nén tại nhà hoặc truyền tĩnh mạch tại bệnh viện.

- Khi thiếu máu thiếu sắt nặng đã có biến chứng cần phải truyền máu tại bệnh viện.

Ngoài ra cần điều trị nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt.

Thiếu máu thiếu sắt và những nguy cơ cho sức khỏe, điều trị thế nào? - Ảnh 4.

Các thực phẩm giàu sắt.

Điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt:

- Thiếu máu thiếu sắt do kinh nguyệt nhiều: Nên sử dụng viên thuốc tránh thai để điều hòa kinh nguyệt. Khi dùng thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ sản khoa để tránh các biến chứng khác do tác dụng phụ của thuốc.

- Điều trị u xơ tử cung (nếu có).

- Điều trị triệt để các bệnh lý tại đường tiêu hóa gây chảy máu, mất máu, như viêm loét dạ dày, polyp đại tràng...

Với đối tượng có nguy cơ cao (như phụ nữ mang thai, sau sinh, trẻ sinh non, người mắc một số bệnh đường ruột mạn tính…) thực hiện chế độ giàu sắt, bổ sung thêm viên sắt.

- Hằng ngày nên ăn các thực phẩm chứa nhiều sắt: Thịt đỏ, thịt lợn, hải sản, gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, rau xanh đậm như rau ngót, rền, muống, lạc... Thức ăn động vật được hấp thu sắt tốt hơn thức ăn từ thực vật.

Có thể tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt. Vitamin C có nhiều trong dưa hấu, nho, mơ, xoài, cà chua, lá rau xanh, cải bắp.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bổ sung sắt:

- Thuốc bổ sung sắt dạng uống là sắt hóa trị hai, hấp thu tốt nhất khi uống vào lúc đói, tuy nhiên có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là với bệnh nhân có sẵn bệnh lý tại dạ dày, vì thế có thể uống trong lúc ăn.

- Nên bổ sung thêm vitamin C hoặc nước cam để tăng khả năng hấp thu sắt.

- Nên uống thuốc sắt trước hai giờ hoặc sau bốn giờ so với thời điểm uống thuốc kháng acid dịch vị, vì thuốc này có thể ảnh hưởng đến hấp thu sắt.

- Viên sắt có thể gây táo bón, phân có màu đen.

- Nên tiếp tục bổ sung sắt thêm 3 tháng sau khi lượng huyết sắc tố trở đã về bình thường.

- Phụ nữ có thai nên bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai.

- Với trẻ nhỏ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bổ sung thêm sắt.

Mời độc giả xem thêm video:

Sáng 28/6: “Dì Ghẻ” có được giảm án khi 7 luật sư cùng bào chữa bảo vệ cho bị cáo và bị hại? | SKĐS

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà
Ý kiến của bạn