Hà Nội

Nguy cơ sức khỏe do thiếu hụt nội tiết tố nữ

06-01-2020 06:31 | Đời sống
google news

SKĐS - Estrogen (còn gọi là nội tiết tố nữ) là một hormon quan trọng trong cơ thể phụ nữ, được tiết ra từ buồng trứng.

Ở một người phụ nữ khỏe mạnh, trẻ trung (dưới 30 tuổi), cơ thể sản sinh đủ lượng nội tiết tố nữ (estrogen) cần thiết. Khi việc sản sinh estrogen không đủ, dẫn đến thiếu hụt, sẽ gây ra những mất cân bằng nghiêm trọng trong cơ thể phụ nữ.

Thiếu hụt nội tiết tố nữ, vì sao?

Nội tiết tố nữ  giúp cho chị em có thân hình mềm mại, ngực nở, eo thon. Estrogen giữ nước và mỡ ở dưới da nên làm cho da dẻ phụ nữ mịn màng và tươi nhuận. Hơn nữa, estrogen quyết định, chi phối sự phát triển những đặc điểm sinh dục nữ như phát triển các mô mỡ nên làm cho vú to và chắc. Làm tử cung, âm đạo, bộ phận sinh dục ngoài phát triển, niêm mạc âm đạo phát triển, tăng tiết dịch nhờn âm đạo... Estrogen làm niêm mạc tử cung phát triển và phối hợp với progesteron tạo thành kinh nguyệt, giúp điều hòa kinh nguyệt. Một vai trò quan trọng của nội tiết tố nữ là duy trì ham muốn và khả năng tình dục. Khi nồng độ estrogen đầy đủ thì việc đạt được khoái cảm đến rất dễ dàng và giúp phụ nữ dễ thụ thai hơn.

Estrogen còn có tác dụng bảo vệ tim mạch, ngăn cản quá trình oxy hóa, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giãn động mạch vành, tăng lưu lượng máu động mạch vành, ổn định huyết áp. Estrogen giúp gắn kết canxi vào khung xương đồng thời lưu giữ canxi trong xương, góp phần chống tiêu xương và mất xương, do vậy chống loãng xương...

Cùng với thời gian, cơ thể lão hóa dần, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu suy giảm các chức năng. Sau tuổi 35, buồng trứng bắt đầu giảm tiết estrogen. Lượng estrogen của cơ thể ngày càng hao hụt khi tuổi càng cao. Một lý do khiến thiếu hụt estrogen là xuất phát từ các yếu tố bệnh lý như:  trải qua  các cuộc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, điều trị tia xạ buồng trứng... dẫn tới suy giảm estrogen nghiêm trọng. Tình trạng thiếu hụt estrogen cũng thường gặp ở phụ nữ mang thai và cho con bú, giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.

Dấu hiệu nhận biết nội tiết tố nữ suy giảm

Biểu hiện rõ rệt ở cơ quan sinh sản và tình dục: cơ quan sinh sản như buồng trứng, tử cung, âm đạo teo nhỏ dần. Giảm khả năng tiết dịch nhờn âm đạo, âm đạo khô, dễ viêm nhiễm, có cảm giác đau và khô rát khi quan hệ, khó đạt khoái cảm... Điều này khiến chị em ngại ngùng, né tránh chồng, ham muốn tình dục cũng giảm. Sự suy giảm lượng estrogen cũng dẫn đến những thay đổi về kinh nguyệt: kinh mau, kinh thưa, thiểu kinh, vòng kinh ngắn dần, lượng kinh ít dần rồi ngừng hẳn.

Về ngoại hình: khi estrogen suy giảm, dẫn đến giảm tổ chức mỡ dưới da, da trở nên khô, xuất hiện các nếp nhăn và chảy sệ. Bên cạnh đó vết nám, sạm da, đồi mồi, tàn nhang xuất hiện ngày càng nhiều. Cũng do mất lớp mỡ dưới da và mô đệm nên vòng 1 của chị em không còn săn chắc, mỡ tập trung nhiều vùng bụng, đùi vì vậy cơ thể dễ bị xồ sề và tăng cân. Các tuyến mồ hôi, tuyến bã giảm chức năng nên tóc khô giòn, giảm độ bóng, bị xơ và dễ gãy.

Ảnh hưởng tới tâm thần kinh: Tim đập nhanh, lo lắng hồi hộp, hay quên, giảm độ tập trung, tính tình dễ cáu gắt, giận dỗi. Dấu hiệu rối loạn tiền đình như chóng mặt, nhức đầu do rối loạn thăng bằng, có cảm giác như say tàu xe...

Các cơn bốc hỏa: quanh giai đoạn mãn kinh, nồng độ estrogen giảm mạnh, nên gây ra các cơn bốc hỏa - là hiện tượng nóng bừng ở phần trên của cơ thể, lan lên cổ, lên mặt, làm người nóng bừng, mặt đỏ bừng, đổ mồ hôi đêm, người lúc nóng, lúc lạnh,  mất ngủ, đi tiểu đêm...

Ngoài ra sự thiếu hụt estrogen còn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng nguy cơ huyết khối; bị loãng xương, xốp xương, các triệu chứng của thoái hóa xương khớp phát triển: đau mỏi các khớp, cột sống thắt lưng...; gia tăng viêm nhiễm đường tiết niệu, dễ són tiểu...

Cách khắc phục chứng thiếu hụt nội tiết tố nữ

Để duy trì lượng estrogen, chị em nên bổ sung dinh dưỡng toàn diện và hợp lý như tránh ăn những thức ăn nhiều ngọt và béo, nên ăn các loại thịt nạc, thực phẩm ít béo và nhiều chất xơ và giàu vitamin C như: kiwi, cà chua, cam, quýt, đào, chuối, măng tây, cà rốt, súp lơ, ngô, đậu... hay các thức ăn giàu caroten như ớt, cải xoăn, rau bina, cà rốt, củ cải đường, rau bồ công anh, củ cải, bắp cải, bí đỏ, củ cải đường; Thực phẩm giàu vitamin nhóm B: gan, thịt bò, cá ngừ, yến mạch, thịt gà tây, chuối, khoai tây, bơ; các loại thực phẩm có chứa các chất tương tự estrogen của cơ thể phụ nữ như các sản phẩm từ đậu nành, hạt hướng dương, hạt điều, hạt lạc (đậu phộng), sắn dây... Đây đều là những thực phẩm giúp tăng estrogen trong cơ thể một cách tự nhiên. Chị em cũng cần có chế độ luyện tập thể dục thường xuyên và hợp lý. Bởi tập thể thao quá nặng cũng có thể làm giảm nồng độ estrogen.

Khi sự thiếu hụt estrogen ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì chị em cần đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị cụ thể.


BS. THANH TÂM
Ý kiến của bạn