Nhiều khó khăn khi vận hành công trình thủy lợi chống ngập
Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc vận hành công trình thủy lợi phòng, chống úng đã được chủ động thực hiện. Tuy nhiên, đã gặp khó khăn do mất điện và đặc biệt tình trạng lũ sông ngoài cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành, nhiều công trình phải dừng vận hành dài ngày như các công trình dọc sông Cầu của hệ thống thủy lợi Bắc Đuống; dọc sông Đáy, sông Hồng của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà,..
Hiện nay, công tác vận hành tiêu úng đang được tập trung cao độ, với dự báo chỉ có mưa nhỏ và lũ đang xuống nhanh, tình trạng ngập úng ở vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ dần được giải quyết trong vòng 2 - 3 ngày tới.
Tính đến 17h ngày 14/9, các tỉnh khu vực Bắc Bộ đang vận hành 323 trạm bơm; trong đó, Phú Thọ 21 trạm bơm, Bắc Giang 15 trạm bơm, Bắc Ninh 27 trạm bơm, Hà Nội 62 trạm bơm, Hà Nam 16 trạm bơm, Vĩnh Phúc 7 trạm bơm, Hải Phòng 5 trạm bơm, Nam Định 5 trạm bơm, Thái Bình 14 trạm bơm... Khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Thanh Hóa đã vận hành 57 công trình với 41 trạm bơm và 16 cống tiêu.
Mực nước sông Hồng hiện đang xuống nhanh. Đến 17h ngày 14/9, tại Hà Nội hiện ở mức 7,94 m (dưới báo động 1 là 1,56 m), mực nước sông Cầu tại Bắc Ninh cũng đang xuống dần, lúc 13h mực nước ở mức 6,8 m (trên báo động 3 là 0,5 m và giảm so với đỉnh lũ 0.98 m.
Tuy nhiên, mực nước trong các hệ thống thủy lợi và hệ thống sông đang ở mức cao, một số trạm bơm, cống đầu mối tiếp tục phải dừng bơm theo quy định và các trạm bơm nội đồng đang phải dừng bơm.
Hệ thống Bắc Đuống đã khôi phục vận hành một số trạm bơm tiêu ven sông Cầu, mực nước trong hệ thống đang giảm dần. Hệ thống Bắc Hưng Hải, cống Cầu Xe, An Thổ mở thông suốt đêm qua và hôm nay; mực nước trong kênh trục giảm dần, Neo lúc 17h đạt 2,91 m, thấp hơn khoảng 4 cm so với 17h chiều qua.
Hệ thống Bắc Nam Hà đã khôi phục vận hành được 9/12 trạm (còn Kinh Thanh 1, Nhâm Tràng, Quỹ Độ chưa vận hành). Mực nước sông ngoài đang giảm dần, sẽ tiếp tục vận hành các trạm bơm còn lại khi điều kiện cho phép.
Hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ tiếp tục dừng bơm nước vào hệ thống, hiện đang vận hành các trạm bơm đầu mối để tiêu nước (Ngoại Độ, Vân Đình, Khai Thái, Yên Nghĩa..). Một số địa phương khác như Thái Bình, Hưng Yên,… cũng đã phải dừng nhiều trạm bơm tiêu nước do mực nước sông ngoài cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 17h ngày 14/9, bão số 3 và mưa lũ đã ngập úng khoảng 117.165 ha lúa và khoảng 45.810 ha rau màu bị dập nát.
Hệ thống đê điều đã xảy ra hơn 300 sự cố
Chiều ngày 14/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi 18 tỉnh thành về đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ
Do ảnh hưởng của đợt mưa rất lớn kéo dài trên diện rộng của hoàn lưu Bão số 3 đã gây ra đợt lũ lớn trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, sông Đáy, sông Hoàng Long,… đặc biệt, lũ trên một số tuyến sông đã vượt mức lũ lịch sử (như sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái, sông Cầu tại Bắc Ninh, sông Đáy tại Ninh Bình, sông Trà Lý tại Thái Bình đều vượt lũ lịch sử năm 1971; sông Cầu tại Thái Nguyên vượt lũ lịch sử năm 1959; sông Cầu tại Lương Phúc, Hà Nội vượt mực nước lũ thiết kế đê); đỉnh lũ hầu hết các tuyến sông khác ở Bắc Bộ lên mức BĐ3 và trên BĐ3 (sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô, sông Thương, sông Lục Nam, sông Phó Đáy, sông Kinh Thầy, sông Luộc, sông Ninh Cơ, sông Đào, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Tích,…).
Hệ thống đê điều đã xảy ra trên 300 sự cố, gây uy hiếp đến an toàn đê. Hiện lũ trên hệ thống sông đang xuống, tuy nhiên mực nước vẫn còn duy trì ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông,…
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều và các Công điện, văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều.
Các địa phương lưu ý tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi lũ rút, tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các tuyến đê; trong đó lưu ý tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các khu vực đã xảy ra sự cố, rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông,… khi lũ rút; tiếp tục duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, mực nước lũ trên các triền sông và tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều (ngay sau khi xảy ra sự cố) và thường xuyên rà soát, tổng hợp, báo cáo đầy đủ các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (qua Phòng Quản lý đê điều) theo đúng hướng dẫn tại văn bản số 103/ĐĐ-QLĐĐ ngày 02/02/2024 để phối hợp chỉ đạo.
18 tỉnh thành có hệ thống đê điều cần phải lưu ý là Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Yên Bái.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nước lũ dâng cao ở ngoại thành Hà Nội, hàng tỷ đồng của người dân mất trắng chỉ sau vài giờ | SKĐS