Nguy cơ rối loạn tâm thần trong đại dịch khi sử dụng thiết bị điện tử, cách nào khắc phục?

04-11-2021 08:50 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS- Tiến sĩ Jason Nagata, Phó giáo sư Nhi khoa thuộc Đại học California ở San Francisco (Mỹ), cho biết "Thời gian sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn có liên quan đến sức khỏe tâm thần kém hơn và căng thẳng nhiều hơn ở thanh thiếu niên".

Theo một nghiên cứu mới được công bố đầu tuần này trên Tạp chí JAMA Pediatrics, thanh thiếu niên dành gần 8 giờ mỗi ngày trước màn hình, gấp đôi ước tính trước đại dịch là gần 4 giờ mỗi ngày.

Nghiên cứu tập trung vào đánh giá thời gian sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ em đối với các hoạt động giải trí như phát trực tuyến, chơi trò chơi điện tử (chơi game), truyền thông xã hội, nhắn tin, trò chuyện video và lướt web.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Jason Nagata, Phó giáo sư Nhi khoa thuộc Đại học California ở San Francisco (Mỹ), cho biết những trẻ vị thành niên có thời gian sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn thì cũng thường trục trặc trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Sử dụng thiết bị điện tử và nguy cơ rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Sử dụng thiết bị điện tử nhiều có liên quan đến sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên

Sử dụng màn hình và rối loạn tâm thần

Trong nghiên cứu mới này, khoảng 5.412 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 14 tuổi đã được hỏi về thói quen sử dụng thiết bị điện tử. Kết quả cho thấy, trẻ dành trung bình 7,7 giờ mỗi ngày ngồi trước màn hình, tăng so với ước tính trước đại dịch là 3,8 giờ mỗi ngày.

Trẻ tham gia nghiên cứu được yêu cầu xác định mức độ sức khỏe tâm thần theo thang đánh giá từ "tồi tệ hơn nhiều" đến "tốt hơn nhiều" so với tuần trước. Các câu hỏi về cảm giác căng thẳng cũng được đưa ra, ví dụ như :"Trong tháng trước, bạn có thường cảm thấy khó khăn đến mức bạn không thể vượt qua được không?"

Tiến sĩ Jenny Radesky, Phó giáo sư Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi khoa Michigan Medical C.S. Mott ở Ann Arbor (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu trên, cho biết: "Mối liên quan giữa việc sử dụng màn hình nhiều hơn và tình trạng căng thẳng là đáng ngạc nhiên. Vì hầu hết các gia đình đều hy vọng rằng việc kết nối với bạn bè thông qua chơi game hoặc mạng xã hội, hoặc xem video thư giãn, sẽ là biện pháp giúp trẻ giảm căng thẳng trong thời kỳ đại dịch".

Trẻ tham gia nghiên cứu được hỏi về chất lượng của các mối quan hệ gia đình và bạn bè của chúng. Đồng thời, trẻ cũng được yêu cầu chia sẻ mức độ bản thân đã tham gia vào mỗi hoạt động trong 9 hành vi đương đầu với khó khăn, ví dụ như tập thể dục và thiền định.

Tiến sĩ Radesky cho rằng: "Mối tương quan tiêu cực trên có thể là do tình trạng "chìm đắm trong tin xấu", đó là khi một người bị cuốn vào việc đọc liên tục các tin tức tiêu cực trên mạng (như bệnh dịch, thiên tai,…) trong thời gian dài. Thời gian sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn cũng có thể khiến trẻ em có ít thời gian hơn để tham gia vào các hoạt động giúp hỗ trợ khả năng phục hồi (như ngủ, chánh niệm hoặc hoạt động thể chất) vào những thời điểm khó khăn".

Trái lại, những trẻ có thời gian sử dụng thiết bị điện tử ít hơn thì có mối quan hệ với gia đình và bạn bè bền chặt hơn và có nhiều hành vi đương đầu với khó khăn hơn.

Cách nào để giải quyết tình trạng này?

Sử dụng thiết bị điện tử và nguy cơ rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Cha mẹ nên tập trung vào quản lý thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử

Đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị:

Tiến sĩ Nagata cho rằng: "Khi đại dịch lắng xuống, thời gian ngồi trước màn hình nhiều cũng chưa thể sớm giảm đi. Các hoạt động học tập và xã hội đang bắt đầu chuyển sang trạng thái trực tiếp trở lại, nhưng vì sự sẵn có ngày càng tăng của các tùy chọn trực tuyến nên có thể thời gian sử dụng thiết bị điện tử vẫn cao hơn mức trước đại dịch".

Theo các nhà khoa học, các bậc cha mẹ nên đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho con cái của họ và khuyến khích chúng tránh ngồi trước màn hình trước khi đi ngủ.

Mô hình hành vi không sử dụng thiết bị điện tử:

Michael Robb, chuyên gia thuộc Tổ chức Common Sense Media (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Cha mẹ cũng nên làm gương bằng cách không sử dụng thiết bị điện tử trong bữa ăn và sinh hoạt chung gia đình, và tránh thường xuyên để thiết bị điện tử làm gián đoạn tương tác của họ với con cái".

Theo tiến sĩ Radesky, nhiều video và trò chơi trực tuyến được thiết kế với các tính năng để thu hút người dùng và thôi thúc họ sử dụng lại mỗi ngày, ví dụ như tính năng tự động phát và thông báo. Các bậc cha mẹ có thể chơi cùng con cái của họ để xác định những tính năng cụ thể nào đang hoạt động và cần phải tắt những tính năng nào.

Thay vì đếm số phút trẻ ngồi trước màn hình, các bậc cha mẹ nên tập trung vào việc đảm bảo con cái họ hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết như bài tập về nhà và việc nhà. Sau khi kiểm soát các nhiệm vụ trên, khi đó nên tập trung vào quản lý thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử.

Đại dịch COVID làm gia tăng đáng kể các rối loạn tâm thầnĐại dịch COVID làm gia tăng đáng kể các rối loạn tâm thần

SKĐS - Ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới 10/10 năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần.

Xem video được quan tâm:

Mở Cửa Trường Học Theo Cấp Độ Dịch, Gia Đình, Nhà Trường Cần Chuẩn Bị Cho Trẻ Những Gì? | SKĐS


BS.Tài Văn
Ý kiến của bạn