Hà Nội

Nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu tại bệnh viện

15-01-2016 17:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khi mắc một bệnh nào đó phải vào bệnh viện để điều trị, do thời gian phải nằm viện lâu và một số trường hợp có sử dụng thủ thuật lâm sàng đặt ống thông tiểu thì nguy cơ bị nhiễm khuẩn tiết niệu là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này để phát hiện và xử trí biện pháp can thiệp phù hợp.

Nhiễm khuẩn tiết niệu tại bệnh viện có nhiều loại khác nhau gồm các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng, nhiễm khuẩn tiết niệu không triệu chứng và các loại nhiễm khuẩn khác của cơ quan tiết niệu.

Nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng

Muốn xác định tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng, phải bảo đảm các tiêu chuẩn gồm:

Bệnh nhân có ít nhất một trong các dấu hiệu hay triệu chứng như: sốt trên 38oC, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, khó đi tiểu, căng tức trên xương mu mà không tìm ra nguyên nhân nào khác. Đồng thời cấy nước tiểu cho kết quả dương tính trên 105 CFU (colony forming unit) trong 1cm3 nước tiểu với không hơn hai loại vi khuẩn.

Nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp tại bệnh viện khi có sử dụng các thủ thuật thông tiểu

Bệnh nhân có ít nhất hai trong các dấu hiệu hay triệu chứng như: sốt trên 38oC, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, khó đi tiểu, căng tức trên xương mu mà không tìm ra nguyên nhân nào khác. Đồng thời có ít nhất một trong các triệu chứng như: xét nghiệm que thử dipstick dương tính đối với esterase hoặc nitrate của bạch cầu. Tiểu mủ với từ 10 bạch cầu trở lên trên 1mm3 nước tiểu hoặc từ 3 bạch cầu trở lên ở quang trường có độ phóng đại cao. Tìm thấy vi khuẩn trên kỹ thuật nhuộm gram. Có ít nhất hai lần cấy nước tiểu có từ 102 CFU trở lên/cm3 nước tiểu với cùng một loại tác nhân gây nhiễm trùng đường tiểu thường là vi khuẩn gram âm hay Staphylococcus saprophyticus. Cấy nước tiểu có từ 105 CFU/cm3 nước tiểu trở xuống đối với một loại tác nhân gây nhiễm trùng đường tiểu thường là vi khuẩn gram âm hay Staphylococcus saprophyticus trên bệnh nhân đang điều trị kháng sinh hiệu quả chống nhiễm trùng đường tiểu.

Bệnh nhân là trẻ em từ 1 tuổi trở xuống có ít nhất một trong những triệu chứng như: sốt trên 38oC, thân nhiệt hạ dưới 37oC, ngừng thở, tim đập chậm, đi tiểu khó, mệt mỏi, nôn mửa mà không tìm ra nguyên nhân nào khác. Đồng thời cấy nước tiểu cho kết quả dương tính trên 105 CFU/cm3 nước tiểu với không hơn hai loại vi khuẩn.

Bệnh nhân là trẻ em từ 1 tuổi trở xuống có ít nhất một trong những triệu chứng như: sốt trên 38oC, thân nhiệt hạ dưới 37oC, ngừng thở, tim đập chậm, đi tiểu khó, mệt mỏi, nôn mửa mà không tìm ra nguyên nhân nào khác. Đồng thời có ít nhất một trong các điều kiện như: xét nghiệm que thử dipstick dương tính với esterase hoặc nitrat của bạch cầu. Tiểu mủ với từ 10 bạch cầu trở lên trên 1mm3 nước tiểu hoặc từ 3 bạch cầu trở lên ở quang trường có độ phóng đại cao. Tìm thấy vi khuẩn trên phương pháp nhuộm gram. Có ít nhất hai lần cấy nước tiểu có từ 102 CFU trở lên trên 1cm3 nước tiểu với cùng một tác nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu thường là vi khuẩn gram âm hoặc Staphylococcus saprophyticus. Cấy nước tiểu có từ 105 CFU trở lên trên 1cm3 nước tiểu với chỉ một tác nhân gây bệnh ở một bệnh nhân đang được điều trị với kháng sinh hiệu quả chống nhiễm trùng đường tiểu.

Nhiễm khuẩn tiết niệu không triệu chứng

Muốn xác định tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu không triệu chứng, phải bảo đảm các tiêu chuẩn gồm:

Bệnh nhân được đặt ống thông tiểu trong vòng 7 ngày trước khi cấy và cấy nước tiểu cho kết quả dương tính với trên 105 CFU/cm3 nước tiểu với không hơn hai loại vi khuẩn. Đồng thời bệnh nhân không có các triệu chứng như: sốt, đi tiểu gấp, tiểu nhắt, khó đi tiểu hay căng tức trên xương mu.

Bệnh nhân không được đặt ống thông tiểu trong vòng 7 ngày trước khi cấy nước tiểu có kết quả dương tính đầu tiên và có ít nhất hai lần cấy nước tiểu dương tính từ 105 CFU trở lên trên 1cm3 nước tiểu với sự lặp lại cùng một loại vi khuẩn và không hơn hai loại vi khuẩn. Đồng thời bệnh nhân không có các triệu chứng như: sốt, đi tiểu gấp, tiểu nhắt, khó đi tiểu hay căng tức trên xương mu.

Các loại nhiễm khuẩn khác của đường tiết niệu

Ngoài nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng và không có triệu chứng đã nêu trên; thực tế còn có các loại nhiễm trùng khác của đường tiết niệu như nhiễm trùng thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, mô sau phúc mạc và quanh thận. Các loại nhiễm khuẩn khác của đường tiết niệu muốn chẩn đoán xác định phải bảo đảm ít nhất một trong những tiêu chuẩn sau:

Phân lập được vi khuẩn qua xét nghiệm cấy dịch lấy được ngoài nước tiểu hay ở mô nơi bị tổn thương.

Phát hiện nhọt áp-xe hay bằng chứng nhiễm khuẩn trên lâm sàng khi mổ hay giải phẫu bệnh lý.

Bệnh nhân có ít nhất hai trong các triệu chứng như: sốt trên 38oC, đau khu trú hay căng tức khu trú mà không tìm ra nguyên nhân nào khác; đồng thời có ít nhất một trong các triệu chứng như: Dẫn lưu ra chất mủ ở nơi bị tổn thương. Cấy máu tìm ra loại vi khuẩn phù hợp với vị trí tổn thương nghi ngờ. Có bằng chứng nhiễm trùng trên xét nghiệm X-quang, siêu âm, CT-scan, chụp cộng hưởng từ MRI (magnetic resonance imaging)... Bác sĩ lâm sàng chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, mô sau phúc mạc hay khoảng quanh thận. Có chỉ định điều trị phù hợp với nhiễm khuẩn thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, mô sau phúc mạc hay khoảng quanh thận.

Bệnh nhân là trẻ em từ 1 tuổi trở xuống có ít nhất một trong những triệu chứng như: sốt trên 38oC, hạ thân nhiệt dưới 37oC, ngừng thở, tim đập chậm, đi tiểu khó, mệt mỏi, nôn mửa mà không tìm ra nguyên nhân nào khác. Đồng thời có ít nhất một trong các điều kiện như: Chảy mủ từ nơi bị tổn thương. Cấy máu có kết quả dương tính phù hợp với vị trí nghi ngờ tổn thương. Có bằng chứng nhiễm khuẩn trên chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm, CT-scan, chụp cộng hưởng từ MRI, xạ hình... Được chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu của bác sĩ điều trị. Bác sĩ tiến hành hướng điều trị thích hợp cho các loại nhiễm khuẩn trên.

Cách xử trí tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu

Việc điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu bao gồm tiêu diệt luôn cả các virút gây bệnh và loại trừ các yếu tố thuận lợi tạo nên nhiễm khuẩn nếu có. Kháng sinh là thuốc được lựa chọn hàng đầu cho những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu điển hình và có tình trạng sức khỏe tốt. Loại thuốc và thời gian điều trị tùy thuộc vào tình hình sức khỏe người bệnh, loại vi khuẩn phân lập được từ nước tiểu và vị trí nhiễm trùng. Các thuốc kháng sinh dùng điều trị bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu thông thường hay sử dụng là nitrofurantoin, trimethoprim, sulfamethoxazole; nhóm beta-lactam, nhóm aminoglycosid, nhóm quinolon. Thực tế có thể sử dụng một loại thuốc hoặc phối hợp nhiều loại thuốc tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân. Trước khi sử dụng kháng sinh, cần lưu ý việc khai thác tiền sử dị ứng của bệnh nhân đối với thuốc; trường hợp các bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện cần phải có kết quả kháng sinh đồ để quyết định lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.

Thông thường, các triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ giảm dần và hết sau ít ngày điều trị. Tuy vậy một số trường hợp phải dùng kháng sinh dài hơn, có thể trên một tuần hay hơn. Lưu ý cần dùng thuốc đủ thời gian để bảo đảm việc diệt sạch được vi khuẩn và hoàn toàn hết tình trạng nhiễm khuẩn. Trong một số trường hợp nhiễm trùng tiết niệu ở phần thấp không có biến chứng và bệnh nhân có tình hình sức khỏe tốt thì có thể dùng phác đồ điều trị ngắn ngày. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai có thể phải điều trị kháng sinh với thời gian dài hơn khoảng từ 7 - 10 ngày. Nếu nhiễm khuẩn tiết niệu bị tái phát nhiều lần thì thời gian điều trị phải kéo dài nhiều hơn hoặc có thể điều trị nhiều đợt thuốc kháng sinh ngắn ngày khi đã hết các triệu chứng lâm sàng. Đối với những trường hợp nặng nên dùng kháng sinh tiêm truyền bằng đường tĩnh mạch, nếu bệnh tái phát hoặc tình trạng nhiễm khuẩn trở thành mạn tính thì bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa về thận theo dõi để phát hiện và xử trí các bất thường của đường tiết niệu vì đây có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng. Lưu ý việc giám sát và kiểm soát các biến chứng lâu dài sau đó như suy thận.


TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn