Vì sao bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng nguy cơ nhiễm HIV?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục là những bệnh lây từ người này sang người khác thông qua hoạt động tình dục (bao gồm quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn và đường miệng). Bệnh gây ra do nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, như giang mai, lậu, chlamydia, HIV...
PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Một người nhiễm HIV dễ mắc thêm các bệnh lây truyền qua đường tình dục vì có đặc điểm chung đều là bệnh lây qua đường này. Điều đáng nói là, thời gian gần đây, tỉ lệ đồng nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục có xu hướng tăng lên.
Xu hướng này là do hiện nay lớp trẻ có lối sống khá thoải mái, mà vấn đề giáo dục giới tính chưa được hiệu quả. Các em chưa hiểu được tầm quan trọng của vấn đề phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó tỉ lệ đồng nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục khá cao.
Thậm chí có trường hợp học sinh cấp 2 đã bị lây nhiễm các virus qua đường tình dục. Đây là một cảnh báo rất nguy hiểm, do đó gia đình, nhà trường và xã hội cần có các biện pháp giáo dục lớp trẻ có biện pháp phòng tránh các bệnh này.
Đối với người nhiễm HIV dễ bị nhiễm lan toả virus HIV khi viêm niệu đạo hoặc loét sinh dục. Một người nhiễm HIV nếu mắc thêm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác chẳng hạn như lậu, giang mai... cho thấy họ đã quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp bảo vệ bằng bao cao su.
Việc quan hệ tình dục không an toàn này rất dễ truyền HIV cho bạn tình, dẫn tới đồng nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao.
Những yếu tố nguy cơ khiến khả năng đồng nhiễm bệnh cao
Do đều là những bệnh lây qua đường tình dục, do đó quan hệ tình dục không an toàn là yếu tố nguy cơ cao nhất. Đặc biệt là đối với người có quan hệ đồng tính nam, đồng tính nữ; người quan hệ tình dục qua đường hậu môn, âm đạo hoặc quan hệ bằng miệng mà không sử dụng bao cao su; quan hệ tình dục với nhiều bạn tình; quan hệ tình dục với bạn tình mà không có thông tin cá nhân của bạn tình; quan hệ tình dục khi bị ảnh hưởng của chất kích thích như ma túy, rượu...
Những tác nhân này có thể làm giảm sự ức chế dẫn đến rủi ro trong quan hệ tình dục không an toàn cao.
Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV?
Với người đã có quan hệ tình dục, thì cách hiệu quả nhất để giảm thiểu tối đa mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục là quan hệ tình dục an toàn.
Theo đó, cần thực hiện các biện pháp:
- Trước khi quan hệ tình dục, cần khám sàng lọc các bệnh có thể lây nhiễm qua đường này.
- Thực hiện quan hệ tình dục một vợ một chồng.
- Lựa chọn các hành vi tình dục ít rủi ro hơn, như: Sử dụng bao cao su mới cho mọi hành vi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và quan hệ bằng miệng và sử dụng trong toàn bộ quá trình từ đầu đến cuối.
- Giảm số người tình trong quan hệ tình dục, tốt nhất là chỉ có một bạn tình.
- Hạn chế hoặc loại bỏ sử dụng ma tuý, rượu trước và trong khi quan hệ tình dục.
Với người có quan hệ tình dục không an toàn hoặc nghi ngờ không an toàn, nên nói chuyện với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được cung cấp các dịch vụ cũng như các loại xét nghiệm tìm ra bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV; trao đổi với chuyên gia về biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm giúp ngăn ngừa nhiễm HIV.
Mời độc giả xem thêm video:
Bé trai 14 tuổi nhiễm HIV báo động lây nhiễm nhóm đồng tính nam | SKĐS