Nguy cơ nhiễm HIV khi xăm thẩm mỹ không an toàn

18-11-2023 06:23 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - TS.BS. Nguyễn Hồng Sơn – BV Da liễu Trung ương cảnh báo một số nhiễm trùng có thể xảy ra khi xăm thẩm mỹ không đảm bảo an toàn, trong đó có lây nhiễm HIV.

Theo BS. Sơn, khi xăm người ta phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất màu vào sâu trong da, do vậy có thể xảy ra các tai biến. Rủi ro hay gặp nhất là rủi ro về nhiễm trùng, nếu làm thủ thuật này trong môi trường không được vô trùng thì rất dễ bị nhiễm trùng (hay nhiễm nhất là Herpes), lây nhiễm viêm gan B, HIV.

Ngoài ra, các khuẩn liên cầu tụ cầu, tình trạng viêm mủ trên da cũng rất dễ gặp phải ở những người phun xăm tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện về y tế.

Nguy cơ thứ 2 là tạo sẹo, bản chất của xăm là thủ thuật xâm lấn nên có nguy cơ nhất định về sẹo, đặc biệt những trường hợp bị nhiễm trùng dễ để lại sẹo xấu. Tuy nhiên, việc tạo sẹo ở mỗi người là khác nhau, và tùy từng vị trí cơ thể chẳng hạn vùng góc hàm, ngực, vai dễ bị sẹo lồi hơn là vùng mặt, mắt, môi.

Một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất là phản ứng dị ứng, trong đó đặc biệt đáng sợ là sốc phản vệ. Chất sử dụng để xăm được đưa vào da và gây các phản ứng tại chỗ. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra chậm như viêm da tiếp xúc, tạo u hạt. Một số người sau xăm môi liên tục gây tình trạng khô môi bong vảy, tạo hạt nhỏ, u hạt quanh vùng xăm do cơ thể phản ứng lại mực xăm đó, đây là phản ứng chậm.

Còn các phản ứng xảy ra nhanh như phản ứng ngoài da nổi ban đỏ, ngứa mày đay, khó thở, các triệu chứng về tiêu hoá, tai biến, hôn mê. Đặc biệt đáng sợ nhất là sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo, trước khi thực hiện làm đẹp, đặc biệt trong những trường hợp thủ thuật xâm lấn vào cơ thể, người dân cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, có chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện dịch vụ trong điều kiện vô trùng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

HIV lây truyền qua đường máu như thế nào?

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, virus HIV lây truyền qua đường máu do:

- Truyền máu không được sàng lọc HIV.

- Các dụng cụ xuyên chích qua da không được vô khuẩn như dùng bơm kim tiêm, kim xăm, kim xâu tai và các dụng cụ sắc nhọn khác. Người nghiện ma túy dùng bơm kim tiêm chung.

- Người chăm sóc bệnh nhân AIDS có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh hoặc bị kim tiêm đâm phải tay, dao kéo cứa phải tay... do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Nguy cơ nhiễm HIV khi xăm thẩm mỹ không an toàn- Ảnh 2.

Phòng ngừa lây nhiễm HIV qua đường máu.

Để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu, người dân cần:

- Không tiêm chích ma túy.

- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV

- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...

Có thể chữa khỏi HIV không?Có thể chữa khỏi HIV không?

SKĐS - Hội nghị khoa học ANRS – MIE với chủ đề ‘Hướng tới đẩy lùi dịch bệnh ở Việt Nam’ vừa được tổ chức tại Hải Phòng, trong bối cảnh kỷ niệm 40 năm phát hiện ra HIV và 50 năm hợp tác giữa Pháp và Việt Nam…


Minh Đức
Ý kiến của bạn