Nguy cơ nhiễm độc chì

11-04-2012 09:08 | Phòng mạch online
google news

Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tác hại của việc dùng giấy báo gói thực phẩm, nhưng việc dùng giấy báo gói xôi, thịt... vẫn rất phổ biến, đặc biệt là ở chợ và các quán hàng rong.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tác hại của việc dùng giấy báo gói thực phẩm, nhưng việc dùng giấy báo gói xôi, thịt... vẫn rất phổ biến, đặc biệt là ở chợ và các quán hàng rong.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc    

Giấy sách, báo dù in màu hay in trắng đen cũng đều dùng mực in. Khi dùng để gói thức ăn, mực in này sẽ thấm vào thức ăn gây độc hại. Bởi trong mực in chứa hợp chất của chì (Pb) là một chất độc, có thể gây biến đổi gen của tế bào tác động đến quá trình di truyền của cơ thể. Chì còn gây độc đối với hệ thần kinh, với các cơ quan nội tạng như gan, thận, não, máu...
 
Đặc biệt, chất độc của chì không bị phân giải trong nước, không bị ôxy hóa, nên một khi đã vào cơ thể sẽ được các tổ chức như mỡ, não, gan... hấp thu và tồn trữ lại, rất khó bị thải ra ngoài. Một nghiên cứu cũng cho thấy trong 1kg giấy sách báo chứa 0,1 - 1mg chất độc của chì, nếu cơ thể người chứa khoảng 0,5 - 2mg chất độc này sẽ có những biểu hiện nhiễm độc như phù mi mắt, ra mồ hôi bàn tay, buồn nôn hoặc nôn...
 Dùng báo gói thực phẩm có thể gây hại dẫn đến nhiễm độc chì. Ảnh: TL

Mặt khác, trước khi được dùng để gói thực phẩm, tờ báo đã trải qua nhiều khâu, từ nhà in, qua đường phố, đến tay bao người đọc và người thu gom. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển.

Không chỉ giấy sách, báo mà giấy trắng cũng vô cùng độc hại, bởi trong quá trình sản xuất, không thể tránh khỏi việc sử dụng chất tẩy rửa. Chất tẩy rửa này, sau khi tiếp xúc với thực phẩm sẽ gây ra các phản ứng hóa học, kết quả là những chất gây hại lưu lại trên thực phẩm. Nếu ăn những thực phẩm ấy trong thời gian dài có thể gây ngộ độc, thậm chí nguy hại đến tính mạng.

Phớt lờ quy định

Bộ Y tế đã có quy định, thiết bị, dụng cụ chế biến bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, không bị ăn mòn, tránh bụi, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác. Nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm như giấy báo, nhựa tái sinh...
 
Hằng năm, Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiến hành kiểm tra và xử phạt các cơ sở cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng bao bì gây ô nhiễm thực phẩm. Tuy nhiên vì lợi ích kinh tế, chế tài xử phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe nên nhiều cơ sở, cá nhân vẫn cố tình vi phạm. Về phía người tiêu dùng vì không thấy hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe ngay tức thời, nên nhiều người dù biết nguy hiểm những vẫn sử dụng thực phẩm được bao gói bằng giấy báo.  

Khánh Chi


Ý kiến của bạn