Phụ huynh lo lắng về hàng rong trước cổng trường
Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Tính đến ngày 7/5, đã có 547 trường hợp nhập viện do ngộ độc thực phẩm ở Thành phố Long Khánh (Đồng Nai).
Ngày 2/5, tại Thành phố Thủ Đức (TPHCM) cũng ghi nhận 15 trường hợp học sinh nhập viện sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường.
Ghi nhận tại nhiều trường học ở TPHCM có rất đông học sinh sau giờ học là tấp vào các hàng quán rong mua nhanh các thực phẩm chế biến sẵn như bánh tráng trộn, bánh mì, cơm cuộn sushi, bún thịt nướng, trà sữa….
Có mặt tại cổng trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình, TPHCM), phóng viên ghi nhận tại đây vào giờ tan học, có một xe hàng rong bày bán bánh tráng nướng và bánh tráng trộn nhưng không được che đậy kỹ càng và khi chế biến hoàn toàn không sử dụng bao tay.
Với giá cả rẻ cùng hợp khẩu vị trẻ em, nên các gánh hàng rong thu hút khá nhiều học sinh. Ảnh: Khang Phúc
Các bước chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Khang Phúc
Tương tự, tại khu vực xung quanh cổng trường THCS Lý Phong (Quận 5, TPHCM), vào giờ tan học ra về là hàng loạt các xe hàng rong bày bán đủ các loại thức ăn thu hút nhiều học sinh mua.
Học sinh mua thức ăn sau giờ tan học tại một quầy hàng rong gần cổng trường THCS Lý Phong (Quận 5, TPHCM). Ảnh: Khang Phúc
Các thực phẩm chế biến không được che đậy kỹ càng. Ảnh: Khang Phúc
Nơi chế biến của một xe hàng rong không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Khang Phúc.
Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn phải các thực phẩm không rõ nguồn gốc trước cổng trường, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và tìm cách ứng phó cho con của mình.
Chị Trinh (50 tuổi, ngụ quận 3), cho biết, chị rất lo lắng với tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây. "Mỗi ngày đi học, tôi dặn dò con mình chỉ ăn các thực phẩm được bán tại căng tin của trường và tuyệt đối không mua thức ăn tại các hàng rong trước cổng trường để hạn chế ngộ độc thực phẩm", chị Trinh chia sẻ.
Cũng lo lắng về tình trạng ngộ độc thực phẩm do nắng nóng kéo dài từ các quầy hàng rong, chị Thắm (36 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho hay: "Thật sự tôi rất ái ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các món ăn được bán bởi các gánh hàng rong trước cổng trường. Các món thường nhiều dầu mỡ, đường, không tốt cho sức khỏe của học sinh, đồng thời cũng không đảm bảo vệ sinh như thức ăn ở nhà. Do vậy, tôi thường chế biến các món ăn mà con mình thích tại nhà để đảm bảo an toàn sức khỏe".
Chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ
Trước tình trạng các vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp gần đây, ngành y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm và lưu ý hơn trong việc cho mua thức ăn đảm bảo vệ sinh cho con em ăn khi đi học. Đặc biệt tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TPHCM - những ngày thời tiết giao mùa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm. Đặc thù của thức ăn đường phố rất đáng lo vì đây là những hàng quán di động, khó đảm bảo vệ sinh, nguy cơ cao dính bụi bặm, côn trùng xâm nhập.
Do vậy các địa phương cần phải tập trung kiểm soát thức ăn đường phố, nhất là tăng cường tập trung, kiểm soát nguồn nguyên liệu…
"Cách hay nhất để đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa nóng chủ yếu là ăn chín, uống sôi. Và nếu người dân có tin tức nào về những nơi vi phạm an toàn thực phẩm, có thể báo qua đường dây nóng 02839301714 của Sở An toàn Thực phẩm", bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: BVCC
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo:
- Chọn lựa sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn.
- Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch.
- Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
- Ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
- Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại.
- Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn.
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
- Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
- Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...
- Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
- Phản ánh cho các đơn vị chức năng nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.