Nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng, cần làm gì để phòng ngừa?

14-10-2024 16:57 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ngộ độc thực phẩm là tình trạng gây ra do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc... Vậy ngộ độc thực phẩm có những biểu hiện gì?

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Phụ thuộc vào nguyên nhân, mỗi loại ngộ độc thực phẩm sẽ có những triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sớm khoảng một vài giờ sau khi ăn nhưng cũng có thể xuất hiện muộn trong vài ngày sau khi tiêu thụ thực phẩm.

- Thực phẩm nhiễm hóa chất: Nếu thực phẩm nhiễm hóa chất khi chúng ta ăn vào có thể gây ra nhiều triệu chứng phức tạp không chỉ riêng ở hệ tiêu hóa mà còn cả ở các cơ quan khác. Một số dấu hiệu thường gặp là: đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, trụy mạch… những dấu hiệu này rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

- Thực phẩm nhiễm vi sinh vật: Lúc này người bệnh sẽ có các biểu hiện như: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và các biểu hiện mất nước như liên tục vã mồ hôi, nhiễm trùng gây sốt, khảt nước, môi khô…

Ngoài ra còn có trường hợp ngộ độc thực phẩm do thực phẩm chứa độc tố tự nhiên: Trong một số thực phẩm đã có chứa sẵn độc tố tự nhiên như: cóc, sắn, măng, cá nóc… khi không sơ chế, chế biến kỹ có thể gây ngộ độc khi ăn.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng, cần làm gì để phòng ngừa?- Ảnh 1.

Một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học ở Nha Trang khiến học sinh phải nhập viện. Ảnh: Đông Hưng.

Trong một số trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể tự hết, tuy nhiên với các trường hợp nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm có thể gây ra nhiều biến chứng. 

Người bị ngộ độc thực phẩm cần đi viện nếu:

- Hệ tiêu hóa có những dấu hiệu cảnh báo như: có máu hoặc chất nhầy lẫn trong phân, đau bụng dữ dội và đau ở nhiều vị trí khác như họng, cổ, ngực…

- Xuất hiện các dấu hiệu ảnh hưởng đến tim mạch như tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở…

- Các dấu hiệu cho thấy thần kinh bị ảnh hưởng: nhìn mờ, khó khăn khi nói, nói không rõ, co giật, liệt cơ, đau đầu, chóng mặt…

Với những người có sức đề kháng kém, trẻ nhỏ, người già, người mắc các bệnh lý mạn tính… các dấu hiệu có thể ở mức nghiêm trọng hơn.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?

Trước hết, người dân cần lựa chọn nguồn thực phẩm tiêu thụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, hạn chế ăn đồ có dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu hoặc đã thay đổi về chất lượng. 

Ngoài ra cần có một số lưu ý khi chế biến, bảo quản thực phẩm như:

- Chế biến: Trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm cần vệ sinh tay sạch sẽ. Đây là cách hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn bằng đường ăn uống. Rửa sạch nguyên liệu trước khi nấu và vệ sinh các dụng cụ nấu ăn bằng xà phòng, rửa bằng nước ấm. Cần phân biệt dụng cụ chế biến đồ ăn sống với đồ ăn chín.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng, cần làm gì để phòng ngừa?- Ảnh 2.

Người dân không nên sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao như khoai tây mọc mầm, các loại nấm rừng, nấm lạ...

- Bảo quản thực phẩm: Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh nên lưu ý nhiệt độ và thời gian ở mức khuyến cáo ghi trên bao bì. Vào mùa hè, không nên để thực phẩm bên ngoài quá 1giờ và quá 2 giờ khi vào mùa đông.

- Đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Đồ ăn cần được nấu chín và ăn uống ở những nơi đảm bảo vệ sinh. Nếu môi trường xung quanh ẩm thấp, bụi bẩn và không sạch sẽ thì không nên ăn.

- Không nên ăn các thực phẩm có dấu hiệu bất thường và có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm như các loại củ mọc mầm, cá nóc, các loại nấm lạ, nấm rừng…

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các ca ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn khiến nhiều người nhập viện. Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế cần tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Xem thêm video được quan tâm:

Những biến chứng nguy hiểm do ngộ độc khí CO trong hỏa hoạn | SKĐS


ThS.BSCKII Nguyễn Thị Song Thao
Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn