Nguy cơ mộng du và rối loạn giấc ngủ do thuốc chống loạn thần

24-10-2019 06:51 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Ziprasidone thuộc nhóm thuốc chống loạn thần không điển hình, hoạt động bằng cách giúp khôi phục lại sự cân bằng của các chất tự nhiên trong não bộ và được sử dụng trong điều trị cơn hưng cảm cấp hoặc trong các giai đoạn lưỡng cực hỗn hợp và tâm thần phân liệt.

Thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn khi sử dụng như ngủ gà, triệu chứng ngoại tháp, chóng mặt, tình trạng đứng ngồi không yên và ảo ảnh. Mới đây, y tế Canada đã khuyến cáo về một số rủi ro khác của loại thuốc này như mộng du (SW) và rối loạn giấc ngủ liên quan đến ăn uống (SRED).

Cụ thể, cơ quan này đã nhận được các báo cáo về SW và SRED được cho là liên quan đến việc sử dụng thuốc ziprasidone. Một số báo cáo đã được công bố về tình trạng SW và SRED liên quan đến việc sử dụng thuốc chống loạn thần không điển hình này do các bệnh nhân hồi phục khi họ ngừng điều trị và trong một số trường hợp, các rủi ro này quay trở lại khi bệnh nhân tiếp tục điều trị, nhất là với các trường hợp sử dụng thuốc nhiều hơn với liều cao hơn khuyến cáo.

Do đó, y tế Canada khuyến cáo, các hãng dược phẩm cần cập nhật thông tin về an toàn sản phẩm cho tất cả các biệt dược của ziprasidone về nguy cơ mộng du và rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và người bệnh cũng cần biết đến nguy cơ này để cân nhắc lựa chọn thuốc phù hợp trước khi điều trị.

Mộng du là thuật ngữ dùng để chỉ những hành động bất thường khi ngủ mà không còn nhớ gì khi thức dậy. Mộng du có thể nguy hiểm tính mạng nếu người mộng du thực hiện các hoạt động nguy hiểm như lái xe, nấu ăn hay sử dụng vũ khí…

Rối loạn giấc ngủ liên quan đến ăn uống là tình trạng ăn uống không thể kiểm soát khi đang ngủ. Rối loạn này có thể gây nguy hiểm khi người bệnh có thể bị chấn thương khi đang chuẩn bị đồ ăn hay ăn phải các thực phẩm không an toàn. Tình trạng này còn gây ra những tín hiệu tiêu cực cho sức khỏe như tăng cân và béo phì do ăn nhiều thức ăn nhiều dầu mỡ hay nhiều tinh bột.


Bảo Châu (Theo WHO.int)
Ý kiến của bạn