Xã Trường Đông – huyện Hòa Thành- Tây Ninh là “thủ phủ” của nghề đan lát như: đan bồ, đan vỉ bánh tráng, đan cần xé, đan bội… nhưng nghề của làng đang ngày càng mai một vì hầu như chưa từng có được tổ chức hợp tác xã để định hướng, hướng dẫn bà con trong công việc. Mà bà con phải “tự thân vận động” từ việc tìm nguồn nguyên vật liệu (trúc, tầm vông, mây) rồi tự tiêu thụ theo sự bấp bênh của thị trường.
Bà Hai Nhường (Phạm Thị Nhường) 67 tuổi người nhợt nhạt vì mang trong mình nhiều chứng bệnh: gan nhiễm mỡ, xơ gan, thần kinh tọa… ngụ ấp Trường Lưu nói: “Nghề đan bồ không khá được. Nhưng nhà nghèo, già cả bệnh tật thì phải chịu. Chỉ khó là mùa nắng dễ mua nan, để lâu không bị hư mốc, hàng hút giá cao. Mùa mưa gian nan rất nhiều, mà lái cứ nói nay xuống giá, mai tuột giá. Nan thì mua khó, bị mắc một cây mưa là mốc đen. Tui với đứa cháu ngoại, ngày đan mười tấm bồ xô (bồ thưa) được bốn mươi sáu ngàn. Trừ tiền nan một nửa, còn một nửa cũng mua được rau. Chỉ khó là không làm sao có dư. Hai bà cháu cố gắng lắm, nó cũng học được hết lớp 7 nhưng tính cho nghỉ vì hổng có tiền”.
Muốn tìm những hộ đan bội như bội gà, bội gánh, bội bưng… phải về ấp Trường Lưu. Dì Tư Xuân là một trong những hộ đan bội lâu năm nhất ở đây. Trông vẻ ngoài trẻ hơn tuổi 60, nhưng dì đã theo nghề hơn bốn chục năm nay. Hiện giờ mỗi ngày dì vừa chẻ vừa đan được hai chiếc bội loại lớn nhất với giá thành “tuỳ chủ vựa”, lúc cao nhất là 40.000 đồng/ cái. Trừ chi phí nguyên vật liệu, dì cũng còn “một lời một”. “Nhưng đó là khi hàng đắt em à. Lúc ế thì phải xoay qua đan thứ khác như đan bồ ruột, chẻ nan mướn cho người ta đan cần xé, vót đũa… chứ không đan bội để chờ lên giá rồi bán đâu! Trúc mắc lắm, mà để lâu bị mọt ăn hư hết. Nghề đan lát ở xứ này tuy là nghề gia truyền nhưng bây giờ chỉ có người già và phụ nữ có con nhỏ ở nhà làm thôi. Thanh niên, đàn ông đều đi làm nghề khác hết. Chị Sáu, cô Ba, thím Út… hàng xóm của tôi cũng đan bội nhưng bây giờ nghỉ hết rồi. Đi lặt rau, rửa chén cho mấy bà thợ nấu, đi giúp việc nhà, phụ bếp quán ăn… có tiền hơn”.
Thím Sáu Hạnh ở ấp Trường Đức, chồng chết từ khi mới ngoài 30 tuổi, nay đã 50 tuổi cũng nhờ nghề đan bồ mà nuôi ba đứa con. “Nhưng hồi trước dễ mua nan, nan cũng rẻ. Còn bây giờ rất khó mua. Muốn có nan tốt, dày cơm thì phải ra miệt Giang Tân chỗ mấy vựa cần xé. Chứ ở Trường Đông mình đan vỉ bánh tráng nhiều nên chẻ nan nhỏ xíu không đan bồ được”.
Khó khăn nhiều thứ. Nhất là những hộ gia đình làm nghề đan lát toàn những hộ nghèo. Làm quanh năm suốt tháng muốn “bứt lưng” nhưng nghỉ một ngày thì thiếu thốn thêm một ngày nên nghề được lưu truyền là vậy (?).
Về Trường Đông bất cứ đường nhỏ ngõ hẹp nào chúng ta đều nghe tiếng lách cách của trúc, tre gióng vào sóng rựa. Tất cả đều được làm rất thủ công, từ khâu ra nan, chẻ nan, vót nan, đan lát, bẻ miệng… nhưng giá cả thì xem ra rất rẻ. Một tấm bồ ruột đan khít 1m x 5m giá 20.000 đồng; bồ ruột đan thưa 1m x 3m giá 4.600 đồng; bồ cật 1,1m x 5m giá 60.000 đồng. Vỉ bánh tráng được xem là cao giá nhất. Vỉ loại 80cm x 2m giá 40.000 đồng nhưng không phải ai cũng đan được vì thương lái rất “kén” hàng. Bội gà cao nhất đan bằng nan cật giá 40.000 đồng, bội gánh 25-30.000 đồng, bội nan ruột trồng kiểng chỉ bán được tháng giáp Tết thì giá 10.000 đồng/chục.
Trường Đông có nhiều vựa bồ. Vựa tám Liêm, vựa năm Phụng, vựa hai Đèo… mỗi vựa có một cách giữ mối cho mình bằng cách cho mượn vốn để mua nguyên vật liệu. Hoặc chủ vựa mang nan (gọi là đổ trúc) tận nhà rồi người đan trả dần bằng sản phẩm. Nhưng phải chịu thiệt với sự “chết giá” ban đầu dù sau đó giá có tăng. Ấy là chưa kể hay bị “ca bài ca con cá” rằng “Hàng lúc này xuống giá lắm, tuột thê thảm luôn…” dù thực sự lúc ấy hàng trên thị trường rất hút, nhất là loại bồ xô dùng làm vĩ phơi đưa về mấy tỉnh miền Tây.
So với làng nghề chằm nón lá ở Ninh Sơn (thị xã Tây Ninh), nghề se nhang thủ công ở xã Long Thành Bắc (Hòa Thành), nghề lò rèn ở Lộc Trác (Trảng Bàng) thì nghề đan lát ở Trường Đông (Hòa Thành) có thâm niên không kém nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu mai một như những làng nghề nón lá, lò rèn, se nhang.
Đứng trước làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một vì cơn lốc thị trường, sự “đổ thừa” của thương lái thì làm sao người lao động bảo lưu được ngành nghề? Đó không phải là câu hỏi khó nếu được ngành chức năng vào cuộc.
Bài và ảnh: Thùy Trang