Dưới góc nhìn chuyên môn, PGS có thể chia sẻ những bệnh truyền nhiễm nào thường gặp ở người lớn tuổi? Và liệu gánh nặng bệnh tật có xu hướng gia tăng khi tuổi tác ngày càng cao không?
Người lớn tuổi có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm không kém so với người trẻ và trẻ em, thậm chí có nguy cơ cao hơn. Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở người lớn tuổi có thể kể đến zona, cúm, sởi, ho gà, bệnh bạch hầu, uốn ván.
Theo tuổi tác, các cơ quan, bộ phận trong cơ thể trải qua quá trình lão hóa, bao gồm cả hệ thống miễn dịch.
Bên cạnh đó, người lớn tuổi trải qua quá trình dài tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus. Ở các bệnh nhân BPTNMT, hen phế quản, đái tháo đường hay bệnh lý tim mạch, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm thậm chí có thể gấp hai đến ba lần, hoặc hơn. Việc sử dụng các thuốc điều trị, như thuốc ức chế miễn dịch, khiến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm càng tăng cao ở người cao tuổi.

PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.
Vì sao bệnh nhân BPTNMT lại cần quan tâm đến việc phòng ngừa bệnh zona? Việc này có ý nghĩa gì đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ?
BPTNMT là bệnh hô hấp khá phổ biến, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thờ (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản) hoặc phế nang, gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và thường tiến triển nặng dần. BPTNMT gây ra bởi các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm không khí và khói chất đốt sinh hoạt…
BPTNMT là một trong những bệnh lý nền mạn tính làm tăng nguy cơ mắc zona và nhiều bệnh truyền nhiễm khác, do tình trạng thay đổi miễn dịch ở các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính. Nguy cơ này tăng đặc biệt sau tuổi 50.
Bệnh nhân có bệnh nền BPTNMT khi mắc zona không chỉ gặp các triệu chứng cấp tính thường thấy như đau nhức, nổi phỏng nước trên da, mà còn có nguy cơ cao mắc các biến chứng về mắt hay đau thần kinh sau zona, một vài trường hợp có thể gặp các tình trạng hiếm gặp như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim...
Zona cũng có tác động tiêu cực lên bệnh nhân BPTNMT, làm nghiêm trọng hơn tình trạng BPTNMT của họ. Nghiên cứu hồi cứu tại Hoa Kỳ trên bệnh nhân BPTNMT có tiền sử mắc zona cho thấy 25,5% bệnh nhân tăng nặng triệu chứng khó thở, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, zona có thể làm tăng 12% nguy cơ mắc các đợt cấp ở bệnh nhân BPTNMT, gây ra gánh nặng kinh tế và khám, khám cấp cứu.
Theo PGS, đâu là những biện pháp hiệu quả nào để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là đối với những nhóm người có nguy cơ cao?
Trước hết, bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phải xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, tránh các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tiếp xúc với khói bụi hay sử dụng bia, rượu. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng cơ thể, gồm đầy đủ vitamin, khoáng chất, đạm cũng giúp đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt để chống lại bệnh tật.
Phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý truyền nhiễm thường gặp sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì thế, bệnh nhân nên chủ động gặp bác sĩ từ sớm để được tư vấn về các biện pháp dự phòng bệnh tật.
Xin cảm ơn PGS!
Khánh Hòa
©[2025] Bản quyền thuộc về Tập Đoàn GSK hoặc bên cấp phép
Việc sử dụng, sao chép hoặc phân phối trái phép tài liệu này là bị cấm và có thể dẫn đến các hình thức chế tài.
Tài liệu dành cho công chúng I NP-VN-HZU-BRFS-240007 I ADD 04.2025