Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do rối loạn lipid máu

14-10-2019 16:06 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hiện nay do chế độ ăn uống không được kiểm soát và chưa hợp lý nên bệnh rối loạn lipid máu, còn gọi là máu nhiễm mỡ hoặc mỡ máu cao xảy ra khá phổ biến trong cộng đồng. Những người mắc bệnh này rất dễ có nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch với tỷ lệ ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng.

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là tình trạng các chất mỡ trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Mỡ máu hay lipid máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol, triglycerid, HDL-cholesterol (mỡ máu tốt) và LDL-cholesterol (mỡ máu xấu).

Khi nói rối loạn lipid máu là nói đến tình trạng tăng một cách bất thường chất cholesterol và triglycerid máu, giảm chất HDL-cholesterol là chất mỡ máu tốt. Rối loạn lipid máu có thể bắt nguồn từ các lý do khác nhau như: Lipid máu lắng đọng lại do giảm các chất tiêu mỡ, quá trình chuyển hóa mỡ bị rối loạn; tăng huy động sử dụng lipid dự trữ ở những người có tâm lý căng thẳng, mắc bệnh đái tháo đường; ăn quá nhiều các chất chứa dầu mỡ, chất béo; sử dụng rượu bia trong thời gian dài...

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do rối loạn lipid máuSuy thận - một biến chứng của rối loạn lipid máu.

Chẩn đoán có khó?

Thực tế các triệu chứng rối loạn lipid máu thường biểu hiện một cách âm thầm, không rõ ràng nên khó nhận biết. Tuy vậy, trên lâm sàng thường gặp các triệu chứng gồm: Dấu hiệu bất thường của cơ thể với triệu chứng vã mồ hôi, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, thở ngắn, thở dốc...; xuất hiện các nốt ban vàng dưới da, không đau, không ngứa; xuất hiện các triệu chứng về tim mạch như đau thắt ngực, cảm giác đau tức, nặng ngực, có cảm nhận như bị bóp nghẹt, cơn đau lan ra hai cánh tay và phía sau lưng. Một số người có biểu hiện của bệnh mạch máu ngoại vi như đầu ngón tay, ngón chân bị tê bì, đau buốt hoặc xuất hiện một số triệu chứng tiêu hóa như ăn uống thấy đầy bụng, có cảm giác ậm ạch khó tiêu do gan và tụy tạng bị ảnh hưởng bởi tình trạng lipid máu tăng cao trong thời gian dài. Lưu ý bệnh rối loạn lipid máu thường gặp trong bệnh cảnh rối loạn chuyển hóa chung của cơ thể nên có thể gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường.

Để chẩn đoán xác định bệnh rối loạn lipid máu phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm sinh hóa để định lượng các thành phần mỡ máu như cholesterol, triglycerid, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol. Đây là cơ sở giúp cho bác sĩ nhận định tình trạng bệnh lý, phân loại và có phương pháp điều trị phù hợp.

Do nồng độ lipid máu có liên quan đến bữa ăn nên thời điểm xét nghiệm lý tưởng thực hiện khi người bệnh nhịn ăn trong khoảng thời gian 12 giờ, thường lấy máu xét nghiệm ở thời điểm buổi sáng sau khi ngủ dậy. Một bộ xét nghiệm lipid máu đầy đủ có 4 thành phần gồm: Cholesterol máu toàn phần, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol và triglycerid. Thực tế việc gia tăng nồng độ cholesterol trong máu hầu như không có triệu chứng rõ rệt, vì vậy bệnh lý chỉ được phát hiện qua xét nghiệm máu định kỳ.

Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam, tất cả mọi đối tượng từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra 4 chỉ số thành phần này định kỳ 5 năm một lần để chủ động phát hiện bệnh.

Hậu quả của rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu dẫn đến hậu quả của các bệnh lý khác là điều không thể tránh khỏi nếu không được phát hiện và chữa trị phù hợp. Khi nồng độ mỡ trong máu cao, hệ thống tim mạch sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Nếu yếu tố áp lực của dòng máu lớn, lớp nội mạc trong lòng động mạch bị tổn thương và xơ cứng, bị lắng đọng các mảng xơ vữa và giảm mất khả năng đàn hồi... sẽ dẫn đến hậu quả với cơn đau thắt ngực, méo miệng, liệt nửa người... do nhồi máu cơ tim hay bị đột quỵ. Theo đó nguyên nhân gây xơ vữa mạch máu do rối loạn lipid máu mới được xác định thì đã quá muộn.

Rối loạn lipid máu dẫn đến hậu quả của các bệnh lý khác là điều không thể tránh khỏi nếu không được phát hiện và chữa trị phù hợp. Khi nồng độ mỡ trong máu cao, hệ thống tim mạch sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất.

Trong các trường hợp bệnh nhân tăng triglycerid máu, có thể dẫn đến viêm tụy cấp với triệu chứng đau bụng nhiều, nôn mửa; đôi khi bị tụt huyết áp, suy hô hấp, suy thận. Việc điều trị phải cần lọc máu thay huyết tương, tiên lượng rất kém và tỷ lệ tử vong cao.

Giống như các bệnh lý chuyển hóa khác, rối loạn lipid mặc dù không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rầm rộ nhưng chúng là nguyên nhân có thể gây hậu quả tử vong một cách âm thầm, lặng lẽ thông qua các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, viêm tụy tạng, suy thận mạn...

Biện pháp điều trị

Đối với trẻ em: Điều trị chủ yếu bằng chế độ ăn uống và luyện tập. Chỉ sử dụng thuốc điều trị trong các trường hợp trẻ bị rối loạn chuyển hóa có tính chất gia đình hoặc do gen. Việc dùng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với một số bệnh đi kèm: Ở bệnh nhân đái tháo đường, cần ưu tiên sử dụng biện pháp thay đổi lối sống kết hợp với việc dùng thuốc. Ở bệnh nhân bị suy thận hay gan mật, cần phối hợp điều trị nguyên nhân gây bệnh và điều trị rối loạn lipid kèm theo.

Điều chỉnh lối sống: Đây là một biện pháp cần thiết trong điều trị rối loạn lipid máu. Cần phải thường xuyên luyện tập thể dục, cải thiện chế độ ăn uống ít chất dầu mỡ; ăn ít nội tạng động vật, trứng lộn, hải sản; đồng thời nên hạn chế sử dụng rượu bia, cần làm việc và nghỉ ngơi có khoa học.

Không tự ý dùng thuốc: Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc điều trị rối loạn lipid máu vì thuốc có thể gây tăng men gan, tiêu cơ vân... Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải đi khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý không được bỏ theo dõi chỉ số lipid máu khi đã được xác định có rối loạn vì nếu để mỡ trong máu tăng cao trong thời gian dài mà không kiểm soát có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như đã nêu.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do rối loạn lipid máuHình ảnh tăng cholesterol trong lòng mạch máu.

Phòng ngừa thế nào?

Rối loạn lipid máu có thể phòng ngừa được nếu tích cực thực hiện một số biện pháp cần thiết như:

Về ăn uống: Cần biết các loại thức ăn có nhiều chất béo không tốt để hạn chế. Nên ăn nhiều rau quả trong các bữa ăn, ăn thay đổi các loại ngũ cốc thô như bánh mì đen, gạo thô...; uống sữa không béo, ăn thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da, dùng loại cá béo và ăn ít nhất mỗi tuần hai lần; ăn các loại đậu, các loại hạt với số lượng mỗi tuần khoảng 4 - 5 lần; dùng dầu thực vật không bão hòa như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành... nhưng không ăn bơ thực vật.

Tập luyện thể dục đều đặn: Cần luyện tập thể dục đều dặn hàng ngày phù hợp với điều kiện sức khỏe và tuổi tác, không nên lười vận động trong sinh hoạt để duy trì cân nặng hợp lý. Không nên để bị thừa cân, béo phì vì đây có thể là biểu hiện nguy cơ của tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu và các bệnh lý khác.

Loại bỏ thói quen sinh hoạt có hại: Nên bỏ ngay việc hút thuốc lá vì chúng không những ảnh hưởng đến quá trình hình thành bệnh lý xơ vữa động mạch mà còn tác động đến sự rối loạn lipid máu và thông qua đó tạo nên các nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, gây các bệnh về phổi, ung thư... Trong sinh hoạt nếu có sử dụng rượu trong các cuộc vui hoặc giao tiếp không nên uống quá nhiều, tốt nhất là nên uống một chút rượu vang đỏ. Phải cố gắng giảm bớt cân nặng nếu bị thừa cân, béo phì; hãy giữ chỉ số khối cơ thể BMI ở mức lý tưởng trong khoảng giới hạn từ 19 đến 23 và vòng bụng không quá 90 cm ở nam giới, 75 cm ở nữ giới. Ngoài ra, cũng cần loại bỏ lối sống tĩnh tại không cần thiết và tránh mọi sự căng thẳng, buồn phiền.


BS. Nguyễn Trâm Anh
Ý kiến của bạn