Hà Nội

Nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng khi đi bơi và cách phòng ngừa hiệu quả

21-05-2023 11:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bơi là hoạt động yêu thích của nhiều người, nhất là vào mùa hè. Tuy nhiên, đi bơi tiềm ẩn nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau, làm sao để phòng tránh?

Những bệnh lý hay gặp nhất khi đi bơi là các bệnh về tai mũi họng vì đây là các cửa ngõ để vi khuẩn, tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

1. Đi bơi dễ viêm nhiễm tai mũi họng

Mũi họng thuộc đường hô hấp trên, trong sinh hoạt hằng ngày, mũi họng như cửa ngõ chính của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Mũi họng có liên quan mật thiết với tai, thông với tai qua vòi nhĩ. Do vậy, chúng ta rất dễ mắc bệnh tai mũi họng, nhất là khi bơi lội. Nguyên nhân do uống phải nước hoặc sặc nước hồ bơi, sông suối, ao… đưa vi khuẩn vào mũi, họng, xoang…

Các vấn đề tai mũi họng hay gặp khi đi bơi, đặc biệt ở trẻ nhỏ là viêm họng, viêm tai giữa, viêm mũi, viêm mũi dị ứng với thuốc sát trùng nước bể bơi.

Đi bơi mùa hè nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng và cách phòng hiệu quả  - Ảnh 1.

Các vấn đề tai mũi họng hay gặp khi đi bơi, đặc biệt ở trẻ em.

2. Các bệnh tai mũi họng hay gặp sau khi bơi

- Viêm mũi xoang

Sau khi đi bơi về, nhiều người bị hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Nguyên nhân có thể là vi khuẩn, virus, nấm hoặc dị ứng với thuốc sát trùng bể bơi. Khi đó người bệnh thấy nước mũi lúc đầu loãng, sau dần đục rồi có màu vàng hoặc xanh. Người mệt mỏi, sốt, nhức đầu và mặt.

Viêm mũi xoang mạn tính sẽ xảy ra khi viêm cấp tính tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh nhất là trẻ em.

- Viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng với cả người lớn khi đi bơi cũng dễ mắc viêm ống tai ngoài. Theo nghiên cứu viêm ống tai ngoài sau khi đi bơi cũng xảy ra khá thường xuyên. Nguyên nhân do người bệnh có thể bị nhiễm vi khuẩn hay vi nấm tại ống tai, khi đó có các biểu hiện là đau tai, ngứa tai, cảm giác ù tai hay nặng tai. Đôi khi bệnh nhân cũng bị đau tai dữ dội kèm sốt.

- Viêm họng

Viêm họng mùa hè cũng rất hay găp nhưng khi đi bơi tình trạng viêm họng cũng sẽ xảy ra nhiều hơn. Lý do tình trạng nóng nắng của mùa hè nhiệt độ thường cao nếu bơi lâu cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ dẫn đến tình trạng viêm họng. Khi đi bơi có thể do sặc nước hoặc uống phải nước hồ, ao, sông, bể bơi bị nhiễm khuẩn nên cũng dễ viêm họng.

Trong trường hợp bị viêm họng cấp là sau khi đi bơi về có biểu hiện người mệt mỏi, có thể sốt – sốt cao, đau họng, đi kèm các triệu chứng viêm đường hô hấp như chảy mũi, ho đờm…

Đi bơi mùa hè nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng và cách phòng hiệu quả  - Ảnh 2.

Đi bơi cũng dễ mắc viêm ống tai ngoài.

- Viêm tai giữa

Viêm tai giữa cấp tính dễ xảy ra khi đi bơi lội, lý do là nếu bơi lội trong bể, sông, suối có nước bị nhiễm bẩn sẽ làm khởi phát 1 đợt viêm tai giữa cấp. Những người có bệnh viêm tai giữa mạn cũng sẽ bị tái phát do nước hồ bơi chui qua màng nhĩ bị thủng vào tai giữa hoặc theo đường mũi xoang qua vòi nhĩ vào tai giữa (hay gặp ở trẻ nhỏ).

Biểu hiện của viêm tai giữa cấp là ù tai, nghe kém, cảm giác có nước trong tai, người bệnh cảm thấy lùng bùng trong tai, có thể sốt và/ hoặc rất đau nhức trong tai.

3. Khi nào cần đi khám bác sĩ tai mũi họng?

Tai mũi họng có cấu trúc thông với nhau, do đó khi một cơ quan bị viêm nhiễm rất dễ dẫn đến viêm nhiễm ở vị trí khác. Hơn nữa, bệnh lý tai mũi họng nếu không được điều trị có thể gây ảnh hưởng đến não, màng não, các dây thần kinh và mạch máu.

Nếu có một trong những triệu chứng dưới đây cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:

  • Hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc đau nhức vùng quanh mũi
  • Xuất hiện ngứa, đau tai, mũi hoặc cổ họng
  • Sốt cao kèm theo đau rát họng
  • Chóng mặt, ù tai, nghe kém
  • Mất thính giác
  • Xuất hiện chảy mủ tai
  • Chảy máu mũi
  • Khàn giọng hoặc thở khò khè

Vì vây, sau khi đi bơi về, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng khó chịu về tai mũi họng kể trên, người bệnh nên đến khám tại bác sĩ Tai Mũi Họng để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, nhất là các bệnh lý viêm nhiễm của tai và xoang, đặc biệt là ở trẻ nhỏ – vì khả năng đề kháng của trẻ thường kém hơn người lớn.

4. Phòng bệnh tai mũi họng khi bơi

- Để tham gia môn bơi lội yêu thích trong mùa hè mà vẫn bảo vệ được sức khỏe cần chọn hồ bơi có nước sạch có chất lượng nước được bảo đảm, được thay nước định kỳ thường xuyên. Không nên bơi ở những hồ bơi tập trung quá đông người.

- Không nên đi bơi khi đang mắc các bệnh truyền nhiễm, viêm đường hô hấp, tai mũi họng hoặc mắt, đang mắc các bệnh về da… để tránh làm nặng hơn bệnh có sẵn và lây lan bệnh cho người khác.

- Có ý thức khi đi tắm trong hồ bơi: không khạc nhổ, không hỉ mũi, không tiểu tiện trong hồ bơi.

- Hạn chế nước hồ bơi vào trong mũi và họng, không để sặc nước, nên đeo kính và đội mũ bơi.

- Sau khi ở hồ bơi lên cần xì mũi nhẹ, nghiêng đầu và nhảy cò để nước trong ống tai ngoài tự chảy ra, không ngoáy tai mạnh gây xây xước ống tai ngoài làm dễ nhiễm trùng. Tắm lại nước sạch với xà phòng tắm sau khi ở hồ bơi lên.

- Nhỏ mắt, lau tai khô và súc họng với nước muối sau khi đi bơi, thời gian tắm trong hồ bơi có giới hạn (trẻ dưới 5 tuổi chỉ bởi dưới 30 phút, trẻ trên 5 tuổi chỉ bơi dưới 60 phút). Nên súc miệng bằng nước sạch ngay khi lên bờ vì sợ nuốt vào nước bẩn hoặc nước có hóa chất trong nước bể bơi có thể làm hỏng men răng.

Mời độc giả xem thêm video:

Tác hại khó lường của nước trong bể bơi.


ThS.BS Trần Quý Ngọc
Ý kiến của bạn