Thói quen ăn các món gỏi cá hoặc cá sống, tôm sống… rất được ưa chuộng ở nhiều vùng của nước ta. Các món rau sống tập hợp những rau củ mọc dưới nước (cần nước, rau muống, cải xoong, rau ngổ, củ niễng, ngó sen...) cũng có mặt thường xuyên hơn trong các bữa ăn gia đình. Đây là những món ăn rất ngon miệng nhưng điều ít người biết rằng đó là con đường lan truyền rất dễ của ấu trùng sán lá gan, nếu việc xử lý và chế biến không cẩn trọng.
Kiểm tra trứng sán trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Nguyễn Huyền |
Ở nước ta, các khảo sát của ngành y tế đều khẳng định có sự hiện diện của cả loài sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn nhưng từ trước đến nay, chúng ta chú ý nhiều đến sán lá gan nhỏ, vì bệnh này rất phổ biến ở các vùng nông thôn đồng bằng. Những năm gần đây, bệnh sán lá gan lớn đột nhiên phát triển mạnh ở nhiều nơi và ít nhất là đã có đến 45 tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận có các ca bệnh này.
Chu kỳ của loài sán lá gan rất phức tạp. Chúng đẻ trứng rất nhỏ, trứng theo mật vào ruột và đào thải ra ngoài theo phân, trôi xuống nước phát triển thành ấu trùng, tìm ốc, cá, rau, củ ký sinh và tiếp tục phát triển thành những nang trùng. Khi chúng ta ăn phải các loại cá, ốc, rau, củ không được nấu chín kỹ hoặc ăn sống sẽ mang theo cả nang trùng sán vào cơ thể và mắc bệnh. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mắc do uống nước lã có nang trùng sán.
Người bị bệnh sán lá gan thường có những triệu chứng sốt thất thường, người gầy sút, phù nề, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, thiếu máu, đau tức ở vùng gan... Bệnh nhân có thể bị vàng da, nôn ra máu, rối loạn tim mạch. Trường hợp nặng và không điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ gan cổ trướng, áp xe gan thoái hóa, rất dễ tử vong.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng bệnh sán lá gan, cần thực hiện ăn chín uống sôi. Nếu ăn sống, cần phải được cọ rửa từng kẽ lá dưới vòi nước để tẩy sạch ấu trùng sán. Việc ngâm rau sống vào nước muối không có tác dụng gì đối với loại sán lá gan lớn.
Bác sĩ Huy Thông