Kỳ 2: cơ quan nào quản lý?
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết cơ sở treo biển “xăm mình” hoặc “xăm nghệ thuật” đều hoạt động tự phát và không có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Một vài cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh do cấp quận cấp, trong khi đó các hoạt động tác động lên cơ thể người gây chảy máu lại do Sở Y tế quản lý, nhưng Sở Y tế trả lời không thuộc sự quản lý của ngành. Phóng viên báo SK&ĐS đã trao đổi với một số nhà quản lý và cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này...
Hoạt động không có phép là chủ yếu?
Đa số cơ sở xăm thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội “ém mình” trong các ngõ, ngách. Khách hàng đến xăm, chủ yếu dựa trên quan hệ quen biết giới thiệu, tuy nhiên, lợi nhuận thu về từ dịch vụ này không hề nhỏ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một vài cơ sở có giấy phép kinh doanh do UBND quận cấp ghi loại hình kinh doanh (KD) là “xăm hình nghệ thuật”. Một số quận thậm chí còn không biết trên địa bàn có các cơ sở xăm mình này. Tuy nhiên, khi PV hỏi Bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính thuộc Sở KH&ĐT Hà Nội được biết: Hà Nội chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào đăng ký dịch vụ xăm mình nghệ thuật. Theo quy định thì đối với các hoạt động gây chảy máu trên cơ thể người thì do Sở Y tế cấp phép và quản lý. Các trung tâm spa được cấp phép KD bình thường, còn các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là loại hình KD có điều kiện và do Sở Y tế cấp phép hoạt động. Các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ muốn được cấp phép phải đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 41/2011/TT-BYT thì mới được phép hoạt động. Nhưng trên thực tế, các cơ sở xăm trên cơ thể người đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội hiện nay là chưa có cơ quan nào quản lý?
Chủ yếu các cơ sở dịch vụ xăm mình là hoạt động tự phát. Ảnh: ST
Về việc này, theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Hiện nay chưa có chế tài xử phạt những cơ sở xăm nghệ thuật không bảo đảm an toàn vô khuẩn, bởi những cơ sở này hoạt động ngoài phạm vi quy định trong Luật Khám, chữa bệnh. Thợ xăm cũng không cần xuất trình chứng chỉ hành nghề hay bằng cấp đào tạo chuyên môn khi đăng ký KD, chỉ có thể xử phạt về hành vi sử dụng mỹ phẩm, màu xăm không rõ nguồn gốc vì các cơ sở này chủ yếu sử dụng mực xăm không rõ nguồn gốc, hầu như không có hóa đơn, chứng từ, không có tem phụ, 100% là trôi nổi, được nhập về từ bên kia biên giới. Hơn nữa, mực xăm cũng được bán tràn lan ở trên mạng, vô số màu sắc, đa dạng về chủng loại, giá cũng theo đó mà tăng dần theo chất lượng màu. Đến nay chưa có cơ quan nào thẩm định về chất lượng của các loại màu xăm này khi tác dụng lên cơ thể và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người có tác hại như thế nào?
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV báo SK&ĐS đã trao đổi với BS. Tô Tử Anh - Phó Trưởng phòng Cấp phép hành nghề Y Dược, Sở Y tế Hà Nội, BS. Anh cho biết: “Theo Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì các cơ sở xăm nghệ thuật này không thuộc phần quản lý của Sở Y tế Hà Nội.
Vậy là, cuối cùng không biết chính xác cơ quan nào đang quản lý loại hình KD cái được gọi là dịch vụ xăm mình nghệ thuật này, dẫn đến chúng phát triển tràn lan và không được kiểm soát. Câu hỏi này vẫn đang chờ các cơ quan chức năng trả lời?
Trào lưu xăm mình có nên khuyến khích hay không?
Việc nở rộ các cơ sở xăm mình nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội cũng sinh ra nhiều ý kiến trái chiều. Về vấn đề này, anh Hà Anh Quyết (Đại Áng, Thanh Trì) chia sẻ: Quan niệm bây giờ đã thoáng hơn, mọi người không đánh giá bạn qua việc trên cơ thể có hình xăm hay không. Một hình xăm nghệ thuật, được “đặt” đúng chỗ vừa giúp tạo điểm nhấn làm tôn lên vẻ đẹp của cơ thể, vừa chứng tỏ được bạn là người có con mắt nghệ thuật. Còn bà Trần Thị Vinh (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng: Những người xăm mình, đối với đàn ông thường là những “kẻ bất hảo” máu lạnh, có tính giang hồ, bất cần đời; còn đối với nữ giới thì là loại ăn chơi lêu lổng, đua đòi, thích hưởng thụ do vậy không nên giao du với những người này.
Tuy là thú chơi không ảnh hưởng đến ai, thuộc sở thích tự do của mỗi người, nhưng những thông tin trên vẫn là lời cảnh báo cho những ai muốn đến với loại dịch vụ còn nhiều tranh cãi này. Về lâu dài, cần sớm có các văn bản quy định rõ ràng về đơn vị quản lý chuyên môn cũng như an toàn trong hành nghề tại các cơ sở xăm. Tại các cơ sở nên có đội ngũ tư vấn cho khách hàng, thẳng thắn từ chối những “khách hàng” dưới 18 tuổi hay tâm lý đang bất ổn nhằm tránh cho họ phải ân hận về sau.
Trần Lâm