1. Có bệnh thì vái tứ phương
Người bệnh luôn có tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" hay "đói thì ăn, đau uống thuốc". Với những lời quảng cáo ''có cánh'', lại sính thuốc ngoại, nên không ít người tin, thậm chí sẵn sàng bỏ số tiền lớn để mua dùng "điều trị triệt để, dứt điểm 100%" hay "không độc hại với cơ thể, hoàn toàn từ thảo dược tự nhiên"…
Đặc biệt, với nhiều người mắc bệnh mạn tính như xương khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp… thì việc sử dụng thuốc tân dược (tây y) kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi. Họ thường cho rằng thuốc đông y lành tính và mang tới hiệu quả cao. Vì vậy, dù chưa thăm khám, người bệnh đã vội "đặt cược" tính mạng, sức khỏe của mình cho những may, rủi, không thể lường trước hậu quả…
Thuốc đông y là những bài thuốc, nếu được sử dụng đúng, liều lượng phù hợp theo từng thể trạng người bệnh, được kiểm định của cơ quan có thẩm quyền rất hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, trên thị trường tràn lan các thuốc nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam được quảng bá như "thần dược chữa bách bệnh". Đặc biệt có loại tân dược nhưng lại mạo danh là thảo dược để bán ra thị trường.
Không khó để bắt gặp những người rao bán thuốc thảo dược chữa các bệnh xương khớp, từ thoái hóa cột sống cho đến loãng xương, viêm khớp dạng thấp… Hay thuốc có tác dụng làm đẹp da, tăng cân và bồi bổ cơ thể... Các loại thuốc này đều có nhãn mác tiếng nước ngoài nên khó có thể đọc hiểu được hàm lượng các thành phần, đơn vị sản xuất và độ uy tín của sản phẩm… Thế nhưng sản phẩm lại được khá nhiều người ưa chuộng, đặc biệt người cao tuổi, với tâm lý sính "thuốc ngoại".
2. Hệ luỵ từ việc sử dụng thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc
Đông y dùng thuốc theo nguyên tắc "biện chứng luận trị", nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở người bệnh mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Không thể dùng một bài thuốc mà điều trị "bách bệnh" như lời đồn thổi trên mạng.
Do đó, nếu tự ý sử dụng thuốc sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ cho sức khỏe:
2.1. Nguy cơ ngộ độc thuốc
Những loại thuốc đông dược ngoại nhập không rõ nguồn gốc, thường trộn thêm các thành phần thuốc tây thế hệ cũ 20 – 30 năm về trước với rất nhiều tác dụng phụ, thậm chí hiện bị cấm sử dụng. Do vậy, sử dụng những loại thuốc này dễ dẫn tới ngộ độc cho người dùng lâu dài.
Điển hình như những người bệnh xương khớp (thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm khớp dạng thấp…) thường có xu hướng dùng các thuốc đông y kéo dài. Trong thành phần một số thuốc đang rao bán trên thị trường có chứa các loại thuốc giảm đau chống viêm (corticoid), làm thuyên giảm cơn đau nhanh, khiến nhiều người lầm tưởng thuốc có hiệu quả cao.
Thực chất, corticoid là "con dao hai lưỡi", chỉ làm giảm triệu chứng chứ không điều trị căn nguyên. Corticoid cũng có nhiều tác dụng phụ như giữ nước, mệt mỏi, đái tháo đường, khó lành vết thương, teo cơ, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, tổn thương gan, loãng xương, chậm lớn…
Bên cạnh đó, những loại thuốc đông y còn trộn thêm những kim loại nặng như chì, đồng, kẽm, asen… Khi uống những loại thuốc này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan tim, mắt, gan, thận… Các trường hợp nhiễm độc này cần thời gian điều trị lâu dài, tốn kém, thậm chí chất độc tích tụ trong cơ thể lâu dài còn gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm.
Ngoài các dược liệu thông thường, các sản phẩm đông dược còn có thể chứa nhiều vị thuốc có nguồn gốc từ khoáng chất như thạch tín, thủy ngân… bào chế sai cách hay sử dụng bừa bãi đều có thể gây độc.
2.2. Nguy cơ suy gan, suy thận
Với quan niệm thuốc đông y làm từ thảo dược, người bệnh có xu hướng dùng thuốc kéo dài mà không có sự kiểm soát của thầy thuốc, dẫn đến phụ thuộc thuốc, nghiện thuốc, tổn thương gan, thận cùng các cơ quan khác.
Nguy hiểm hơn là thuốc nhập lậu, trôi nổi trên thị trường khi sử dụng gây hại từ từ, không dễ để phát hiện, đến khi phát hiện thì chức năng gan, thận đều đã giảm ở mức độ nặng, thậm chí xơ gan hay suy thận phải chạy thận nhân tạo.
2.3. Nguy hại với trẻ em
Không ít người khi thấy con trẻ ốm yếu, còi cọc đã mua các loại thuốc thảo dược nhập ngoại để con bồi bổ cơ thể. Thế nhưng, trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào. Bởi chức năng các cơ quan cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, quá trình hấp thu, chuyển hóa và thải trừ diễn ra kém hơn, nên độc tính của thuốc đối với trẻ em thường rõ ràng và nghiêm trọng hơn.
Nếu sử dụng dược liệu cho trẻ một cách tùy tiện, không rõ nguồn gốc, thành phần, theo lời mách bảo hay theo người không có chuyên môn thì không những không mang đến lợi ích sức khỏe mà còn gây hại cho trẻ và cả sự phát triển sau này của trẻ.
Vì thế, người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, cảnh giác và tránh xa những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo về các loại thuốc nhập ngoại trên mạng xã hội, mạng internet.
Đồng thời, cần phải ý thức rõ, thuốc dù là tân dược hay thuốc đông y không thể sử dụng tùy tiện, không theo kê đơn của bác sĩ và không phải thuốc đông y là lành tính, ít tác dụng phụ.
Bạn nên thăm khám và điều trị tại các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền khi có nhu cầu sử dụng thuốc thảo dược.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lượng đường trong máu tăng gấp 4 lần do tin “Thần dược" trên mạng xã hội.