Bệnh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và các cơ quan khác trong cơ thể.
Hội chứng buồng trứng đa nang chiếm tỷ lệ khoảng 12-18% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Bệnh thường xuất hiện vào tuổi dậy thì nhưng cũng có thể xuất hiện ở độ tuổi từ 20 - 25. Phụ nữ bị buồng trứng đa nang thường là những người có sự gia tăng bất thường về nồng độ testosterone và LH. Những chất này sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn. Buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 - 10 nang < 10mm) do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng.
Những nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang
Do cơ thể dư thừa insulin: Nếu cơ thể bạn có quá nhiều insulin có thể dẫn tới tăng sinh androgen, ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng của buồng trứng.
Yếu tố di truyền: Đa nang buồng trứng có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Do đó, nếu cha mẹ hoặc anh chị em của bạn mắc hội chứng đa nang buồng trứng thì bạn cũng sẽ có nguy cơ “thừa hưởng” căn bệnh này.
Do ăn uống: Việc tiêu thụ nhiều cà phê, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, chất kích thích, các sản phẩm từ bơ sữa, đường trắng... làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đa nang buồng trứng.
Do mất cân bằng nội tiết, androgen làm suy yếu các nang noãn (trứng) khiến chúng tuy phát triển nhưng không thể trưởng thành (chất lượng trứng không tốt) và hiếm khi có hiện tượng rụng trứng xảy ra.
Nhận biết đa nang buồng trứng
Một trong những dấu hiệu hàng đầu cho thấy bạn đang mắc đa nang buồng trứng - đó là tình trạng rối loạn kinh nguyệt mà biểu hiện cụ thể là kinh thưa hoặc vô kinh. Cùng với đó, nhiều người có triệu chứng xanh xao, mệt mỏi kéo dài, máu kinh không đỏ sẫm mà nhạt màu. Buồng trứng có nhiều nang nhỏ khi siêu âm, đồng thời không có hiện tượng rụng trứng là dấu hiệu điển hình của đa nang buồng trứng.
Rậm lông, mụn, rụng tóc: Sự tích tụ nhiều hormon nam trong cơ thể sẽ kích thích sinh nhiều lông ở những vị trí như ria mép, ngực, chân tay, bụng... Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố sẽ dẫn đến thay đổi trên làn da. Da dầu, nhiều mụn có thể là dấu hiệu bệnh đa nang buồng trứng.
Béo phì: Ở những phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng, hormon insulin sẽ dư thừa so với nhu cầu cơ thể nên vấn đề tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn của nhóm phụ nữ này gặp rắc rối. Họ có thể dễ dàng bị béo phì hơn mặc dù không ăn nhiều. Theo thống kê, 30-50% phụ nữ buồng trứng đa nang bị béo phì. Để xác định tình trạng béo phì, người ta dựa vào chỉ số BMI (>25) hay tỷ số vòng eo/vòng mông. Một số nghiên cứu cho rằng béo phì cũng có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của buồng trứng đa nang. Cân nặng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các triệu chứng buồng trứng đa nang biểu hiện trên lâm sàng. Kiểm soát cân nặng có thể giúp cải thiện tiên lượng của hội chứng buồng trứng đa nang.
Ảnh hưởng của bệnh đa nang buồng trứng
Đa nang buồng trứng gây ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng của buồng trứng, Theo đó, các túi trứng không thể phóng noãn dẫn đến không có sự rụng trứng, ngăn cản quá trình thụ tinh. Do đó, đa nang buồng trứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nữ giới.
Người mắc hội chứng đa nang buồng trứng sẽ có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm, ngưng thở khi ngủ, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu, ung thư cổ tử cung, tiểu đường, bệnh tim...
Điều trị như thế nào?
Buồng trứng đa nang là một hội chứng thường gặp do không rụng trứng. Triệu chứng của hội chứng này thay đổi rất nhiều tùy thuộc từng bệnh nhân. Hiện nay, chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho buồng trứng đa nang nhưng đã điều trị được những rắc rối do buồng trứng đa nang gây ra.
Nếu bệnh nhân có nhu cầu điều trị vô sinh thì bên cạnh các phương thức điều trị nội khoa, dùng các loại thuốc kích thích sự phát triển nang noãn, có thể tiến hành mổ nội soi đốt điểm trên bề mặt buồng trứng. Với trường hợp điều trị trên thất bại thì buộc bệnh nhân phải thụ tinh trong ống nghiệm để có con.
Nếu ở bệnh nhân không có nhu cầu có con, có thể dùng một số thuốc nội tiết để làm giảm các triệu chứng của hội chứng này như kinh không đều, rậm lông... hay ngăn ngừa sự xuất hiện của một số nguy cơ lâu dài sau này. Tuy nhiên, sau khi ngưng thuốc, các triệu chứng có thể sẽ trở lại như ban đầu.