Nguy cơ gãy xương từ thuốc chống loãng xương

15-03-2017 22:09 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Trong xương có hai loại tế bào chính: tạo cốt bào (tế bào tạo ra xương) và hủy cốt bào (tế bào tiêu xương).

Trong xương có hai loại tế bào chính: tạo cốt bào (tế bào tạo ra xương) và hủy cốt bào (tế bào tiêu xương). Hai loại tế bào này liên tục hoạt động nên xương được thường xuyên đổi mới trong suốt cuộc đời một con người. Nhưng trong bệnh loãng xương (hiện có 200 triệu người mắc, thường trên 65 tuổi), các tế bào tiêu xương hoạt động quá mạnh và giảm chức năng tế bào tạo xương. Để khắc phục hiện tượng này, người bệnh loãng xương thường được chỉ định dùng thuốc bisphosphonate. Đây là loại thuốc giúp xương chắc khỏe hơn bằng cách gắn chặt với canxi trên bề mặt xương (là “thức ăn” của tế bào hủy xương) làm ức chế sự phát triển của tế bào hủy xương, giảm hoạt động của nó đồng thời đưa tế bào này nhanh chóng đi vào con đường “chết theo chu trình sinh học”. Theo đó, thuốc cũng gián tiếp kích thích tế bào tạo xương, cải thiện bệnh loãng xương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các bác sĩ đã trở nên ngày càng lo ngại rằng các loại thuốc bisphosphonate có thể làm tăng nguy cơ gãy xương từ việc tạo ra các vết nứt nhỏ trên xương.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Báo cáo khoa học, các nhà khoa học Trường Imperial College Londo, Anh đã nghiên cứu các mẫu xương từ 16 người được chẩn đoán với tình trạng yếu xương do loãng xương, cụ thể là bị đau hông. Một nửa số bệnh nhân đã được dùng bisphosphonate theo quy định sau đó được sử dụng tia X để hình dung cấu trúc của xương ở độ phân giải cao và nhận thấy xương của những người uống thuốc không chỉ có một số lượng lớn các vết nứt nhỏ mà còn làm giảm độ bền cơ học của xương. Nguyên nhân là do thuốc ngăn chặn quá trình hủy cốt bào khiến cho xương không được thay thế bằng xương mới. Các vết nứt phổ biến nhất là ở hông, cổ tay và xương sống.

Mặc dù đã có những kết luận cụ thể về tình trạng gây ra các vết nứt của thuốc trị loãng xương nhưng các bác sĩ vẫn nhấn mạnh và khuyên bệnh nhân không nên ngưng dùng loại thuốc này nếu họ đã được kê đơn. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng cần cân nhắc kỹ lượng thuốc nên dùng (vì nhóm thuốc này có nhiều loại thuốc khác nhau dựa trên nhóm chức hóa học như alendronate, clodronate, etidronate, pamidronate, risedronate, tiludronate và zoledronate...) cũng như đường dùng thuốc phù hợp để giảm thiểu những tác dụng không mong muốn.


Bảo Châu (Theo MNT, 3/2017)
Ý kiến của bạn