Nguy cơ gãy xương tăng ở trẻ em khi sử dụng phác đồ ức chế acid sớm

01-07-2019 10:05 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Một nghiên cứu đã phát hiện việc sử dụng phác đồ ức chế acid sớm, bao gồm các chất ức chế bơm proton (PPI) như omeprazol, pantoprazol... và các thuốc kháng receptor histamin H2 (H2RA) như cimetidin, ranitidin... có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ gãy xương ở trẻ.

Các chất ức chế bơm proton và các thuốc kháng histamin H2 đang được sử dụng rộng rãi cho tình trạng khóc và trào ngược ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đây là những biểu hiện bình thường khi mới sinh và các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với giả dược cho thấy việc sử dụng các thuốc ức chế acid không có tác động đến tình trạng khóc và trào ngược ở trẻ sơ sinh. Thêm vào đó, các nghiên cứu kiểm tra tình trạng xương ở trẻ có sử dụng các thuốc ức chế acid cho các kết quả khác nhau. Để làm sáng tỏ vấn đề này, TS. Elizabeth Hisle-Gorman, Trường đại học Khoa học sức khỏe Bethesda, Maryland, Hoa Kỳ cùng đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu trên dữ liệu của hơn 850.000 trẻ nhỏ được chăm sóc liên tục tại Hệ thống Y tế Quân đội trong ít nhất 2 năm đầu đời.

Theo đó, có 11% số trẻ được sử dụng thuốc ức chế acid trong năm đầu đời, trong đó 9% được kê PPI, 73% được kê H2RA và 18% sử dụng cả hai loại thuốc. Sau khi hiệu chỉnh cho một số yếu tố nhiễu, nguy cơ gãy xương cao hơn 23% ở trẻ được kê PPI (cụ thể trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi tăng nguy cơ gãy xương 23%, từ 6 - 12 tháng tuổi tăng 21% và tăng không đáng kể từ 12 - 24 tháng tuổi) và 31% ở trẻ được kê cả hai loại thuốc trong năm đầu, tuy nghiên việc sử dụng H2RA lại không liên quan đến nguy cơ gãy xương. Ngoài ra, nguy cơ gãy xương tăng khi kéo dài thời gian điều trị thuốc ức chế acid.

TS. Hisle-Gorman cho rằng cần tiến hành thêm các nghiên cứu để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của các thuốc ức chế acid tới xương ở mức độ tế bào và các giai đoạn phát triển mà xương của trẻ nhạy cảm nhất với tác động của PPI. Bà cũng khuyến cáo chỉ sử dụng các thuốc ức chế acid khi thật cần thiết và dùng trong khoảng thời gian ngắn có thể.


ThS.DS. Dương Khánh Linh
Ý kiến của bạn