Nguy cơ gãy xương gia tăng ở người mắc bệnh chàm

12-02-2020 06:52 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Kinda E. Lowe - nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn (Anh) cùng các cộng sự đã công bố báo cáo về sự gia tăng rõ ràng nguy cơ gãy xương ở những người trưởng thành bị viêm da cơ địa (chàm).

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu nghiên cứu hồ sơ sức khỏe điện tử của khoảng 526.808 bệnh nhân người lớn (≥18 tuổi) mắc bệnh chàm. Kết quả những người bị chàm có nguy cơ gãy xương cổ tay cao hơn 7%; gãy xương hông tăng 10%; gãy xương chậu tăng 10% và gãy cột sống tăng 18% so với những người không mắc bệnh  này.

Theo các tác giả, các steroid tại chỗ điều trị bệnh chàm có thể được hấp thụ một cách có hệ thống và do đó có thể góp phần làm tăng nguy cơ gãy xương. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận nguy cơ gãy xương tăng theo mức độ nghiêm trọng của bệnh chàm và tăng ở những bệnh nhân dùng thuốc điều hòa miễn dịch toàn thân (azathioprine, cyclosporine, methotrexate, mycophenolate mofetil). Nguy cơ gãy xương cũng gia tăng ở những người đã trải qua liệu pháp quang học hoặc đã được chăm sóc đặc biệt từ các bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Từ kết quả nghiên cứu này, các tác giả khuyến cáo, bệnh viêm da cơ địa hay chàm thể tạng nên được thêm vào các yếu tố cần xem xét trong dự đoán gãy xương. Việc hướng dẫn sàng lọc mật độ xương có thể được mở rộng bao gồm cả những người bị viêm da cơ địa nặng để ngăn ngừa gãy xương, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến gãy xương, đặc biệt đối với phụ nữ, người già, người có dùng steroid hay thuốc điều hòa miễn dịch để điều trị bệnh chàm.


BS. Lê Đức Thọ
Ý kiến của bạn